Trong năm 2020, theo báo cáo ngành hàng FMCG (Fast Moving Consumer Goods) có tổng cộng gần 10.000 sản phẩm mới được ra mắt, tức là mỗi ngày thị trường sẽ có thêm gần 30 sản phẩm mới.
Lý do các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) liên tục ra mắt mẫu mã mới nằm ở đặc điểm của ngành.
Đối với một mặt hàng có tính chất “nhanh chóng”, tần suất mua lặp lại nhiều nên cách để kích thích mua hàng nhiều hơn, gây ấn tượng với người dùng là những mẫu mã hay sản phẩm mới.
Để thỏa mãn được càng nhiều tệp khách hàng càng tốt, thị trường ngành FMCG luôn diễn ra sôi động với nhiều sản phẩm mới được cải tiến cả về hình thức như bao bì, mẫu mã đóng gói, in ấn tem nhãn bên ngoài… cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, an toàn hơn.
Thương hiệu trong nước quốc tế đua nhau “thay áo mới”
Baskin-Robbins thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau 16 năm
Vào ngày 11/04 vừa qua, Baskin-Robbins đã chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, bao bì sản phẩm, tagline và đồng phục của nhân viên.
Đại diện của thương hiệu đã chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên Baskin-Robbins có nhiều thay đổi như thế kể từ năm 2006.
Trong lần thay đổi này, thương hiệu đã hoàn toàn "lột xác" khi kết hợp màu nâu và hồng, đồng thời sử dụng phông chữ Serif mạnh mẽ hơn.
Logo mới vẫn giữ nguyên con số "31" tượng trưng cho 31 hương vị của tất cả các ngày trong tháng, đồng thời nét uốn lượn ở đuôi chữ "R" khiến người xem liên tưởng đến độ sánh dẻo của kem.
Jerid Grandinetti, Phó chủ tịch Marketing và Ẩm thực tại Baskin-Robbins cho biết:
"Khi bắt đầu làm mới giá trị thương hiệu, chúng tôi không định thay đổi hoàn toàn nó. Chúng tôi chỉ muốn mang đến phong cách hiện đại hơn, thể hiện qua kiểu chữ và màu sắc mới."
Baskin-Robbins cũng chính thức ra mắt tagline mới - Seize The Yay (tạm dịch: Nắm bắt hạnh phúc) nhằm gán thương hiệu với những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc.
Khẩu hiệu này được cho là cách tiếp cận tinh tế hơn so với câu "We Deliver Happiness" (tạm dịch: Chúng tôi mang lại hạnh phúc) trước đây.
Các Giám đốc điều hành của Baskin-Robbins cho rằng vẻ ngoài "trưởng thành" sẽ là chìa khóa giúp thu hút sự chú ý đối với người tiêu dùng trẻ tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho thương hiệu ra mắt những sản phẩm, hương vị và công thức sáng tạo hơn.
Để kỷ niệm lần tái định vị thương hiệu này, Baskin-Robbins cũng đã ra mắt ba hương vị mới gồm Non-Dairy Mint Chocochunk, Ube Coconut Swirl và Totally Unwrapped.
Ngoài ra, thương hiệu cũng tung bộ sưu tập các sản phẩm phiên bản giới hạn khuyến khích khách hàng tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc, thực hiện mục tiêu tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Jerid Grandinetti cho biết việc kinh doanh những sản phẩm này không phải để tăng doanh thu mà là phương tiện giúp Baskin-Robbins giành được brand love (tình yêu thương hiệu) từ khách hàng.
Popeyes thay đổi bộ nhận diện với mong muốn phủ sóng toàn cầu
Trong khi các chuỗi thức ăn nhanh khác đang chống chọi với đại dịch COVID-19 bằng việc cắt giảm chi phí và quy mô, thì Popeyes đã nhanh chóng lấy lại được thăng bằng, thay đổi bộ nhận diện và nuôi tham vọng mở rộng hệ thống cửa hàng ra toàn cầu.
Mọi ý tưởng bắt nguồn từ mùa thu năm ngoái khi đối thủ “không đội trời chung” là Chick-fil-A thông báo về ngày lễ Sandwich Gà rán.
Popeyes đã tận dụng cơ hội này để phục vụ món bánh của mình, dấy lên “cuộc chiến sandwich gà”.
Sự kiện đã thu hút được rất nhiều sự chú ý và doanh thu đáng kể cho cả hai chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.
Cụ thể, doanh thu của Popeyes tăng 34% trong quý 4 năm 2019. Doanh thu có thể so sánh được cũng tăng 26,2% trong quý 1 năm 2020.
Mặc dù hoạt động bị đình trệ vào cuối tháng 3 do đại dịch COVID -19 nhưng Popeyes cũng đã dần hồi phục lại từ giữa tháng 5 khi một số bang tại Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại và cho phép ăn uống tại cửa hàng.
Bộ nhận diện thương hiệu mới bao gồm logo, biểu tượng và hoạ tiết trang trí được cập nhật theo phong cách hiện đại.
Không còn nét vui tươi và ngộ nghĩnh như thiết kế của DJ Stout hồi năm 2008, logo mới sử dụng font chữ nét dày, ngay ngắn và trang nhã hơn.
Thay đổi này phản ánh chiều sâu ẩm thực và nỗ lực phục vụ những món ăn đặc trưng trong thời gian tới của thương hiệu.
Biểu tượng mới cách điệu từ chiếc chong chóng thời tiết hình chú gà Poppy, kết hợp dấu ấn “19” và “72” - năm thành lập công ty (1972).
Một sự thay đổi không kém phần độc đáo trong bộ nhận diện lần này là hoạ tiết trang trí (pattern). Những nét vẽ tay sống động kết hợp với sắc cam đặc trưng của Popeyes nổi bật trên nền bao bì màu trắng.
Diện mạo mới hiện đại và “trưởng thành” hơn nhưng vẫn giữ cá tính riêng của thương hiệu sẽ là bước đệm hoàn hảo cho Popeyes thực hiện tham vọng phủ sóng toàn cầu.
Chuỗi thức ăn nhanh cũng đang trong quá trình tái thiết kế nội - ngoại thất tại các nhà hàng trên trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Thử nghiệm thiết kế đầu tiên là tại cửa hàng Popeyes Marrero, bang Louisiana, Hoa Kỳ.
Tháng 5 vừa qua, Popeyes đã khai trương nhà hàng hàng đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc với trang thiết bị hiện đại, chính thức "châm ngòi" cho kế hoạch vươn tầm thế giới.
Smucker’s
Smucker’s đã không còn là một cửa hàng bán mứt trái cây đơn thuần, trong vài năm gần đây dưới sự bảo trợ của công ty mẹ Smucker’s, thương hiệu cùng tên đã phát triển thành một nhà phân phối sản phẩm.
Ban lãnh đạo Smucker’s muốn làm mới logo thông qua thay thế hình ảnh những thứ quả chín mọng, bằng những shape hình có phần trừu tượng hơn nhưng vẫn thể hiện rõ giá trị thương hiệu.
Cũng giống như phần lớn các thương hiệu danh tiếng khác, Smucker’s gần như ngay lập tức ứng dụng thiết kế logo mới vào trong mọi sản phẩm nhận diện thương hiệu khác.
Kinh Đô “thay áo” sau 30 năm hình thành và phát triển
Sau gần 30 năm phát triển và trở thành nhãn hàng "quốc dân", Kinh Đô lần đầu thay đổi nhận diện thương hiệu.
Đại diện Kinh Đô nhận định, đây không phải là bước đi liều lĩnh, mà là động lực để phát triển, cơ hội làm mới mình, mang cảm xúc tích cực đến người tiêu dùng.
Đại diện Kinh Đô cho biết, những năm gần đây phân khúc người tiêu dùng của hãng có sự chuyển dịch, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng trẻ tuổi, luôn tìm kiếm xu hướng mới hiện đại song vẫn trân trọng giá trị, hương vị truyền thống của Việt Nam.
Do đó, không ngủ quên trên chiến thắng, Kinh Đô vẫn luôn thay đổi, làm mới mình. Công ty nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm nhằm mang đến trải nghiệm trọn vẹn, mới mẻ hơn cho người tiêu dùng.
Chiếc vương miện màu đỏ ôm trọn dòng chữ Kinh Đô, là một trong những nhận diện thương hiệu từng rất thành công của hãng, tạo được dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam.
Trong diện mạo mới, Kinh Đô vẫn giữ nguyên hình ảnh chiếc vương miện, thể hiện sự vững vàng, uy tín, chất lượng và vai trò tiên phong trong ngành bánh Việt Nam.
Đại diện Kinh Đô cho hay, chiếc vương miện vẫn mang trên mình 5 vòng tròn, biểu tượng cho 5 viên ngọc quý, là 5 giá trị cốt lõi của Kinh Đô.
Giá trị thứ nhất là sự tự hào khi góp phần xây dựng một Kinh Đô đi kịp thời đại song vẫn giữ nét riêng độc đáo, lấy sự tín nhiệm của người tiêu dùng làm nền tảng cốt lõi trong gần 30 năm phát triển.
Giá trị thứ hai là sự trẻ trung, tính cách cần thiết của người tiên phong, mang đến trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Giá trị thứ ba là kết nối, cởi mở với ý tưởng mới trong quá trình phát triển, nắm bắt xu hướng, hoà nhập đồng thời là thương hiệu gắn bó, mang nhiều thế hệ trong gia đình đến gần nhau.
Giá trị tiếp đến là đam mê, ngọn lửa nhiệt huyết của Kinh Đô thể hiện trong từng chiếc bánh được ra lò.
Viên ngọc cuối cùng là giá trị chất lượng, thể hiện qua nguồn nguyên liệu tươi cao cấp, cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất.
"5 giá trị cốt lõi này đã, đang và sẽ luôn giúp Kinh Đô ngày càng lớn mạnh. Trong đó, màu đỏ vẫn chủ đạo, tượng trưng cho sức mạnh nội tại cùng ngọn lửa tâm huyết, đam mê với nghề bánh và sự trung thành với niềm tin của khách hàng", đại diện Kinh Đô chia sẻ.
Để đáp lại điều đó, Kinh Đô cần một trái tim của đam mê, cái đầu của tư duy cùng kinh nghiệm trong thị trường bánh Việt Nam.
"Chúng tôi mang tâm huyết của người kết nối, luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, trẻ trung, tinh thần tươi mới, năng động qua mỗi thế hệ người tiêu dùng Việt", đại diện Kinh Đô chia sẻ.
Có thể nói, năm 2022 sẽ là một năm vừa cơ hội, vừa thách thức đối với ngành FMCG. Việc chuẩn bị nền tảng là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá trong năm 2022.
Với việc thay áo mới cho các sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các doanh nghiệp cũng cần phải cẩn trọng trong từng bước tránh việc bị phản tác dụng, khiến thương hiệu bị lãng quên trong tâm trí người tiêu dùng.
Nguồn: Advertising Vietnam, Brands Vietnam, VnExpress