Sinh viên, người đi làm “đòi” lương thực tập - Không có lương, từ chối vào

Một sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết chấp nhận đi thực tập không lương 3 - 6 tháng để có cơ hội làm việc tại một tập đoàn nước giải khát.

Tuy nhiên, sinh viên này cũng bày tỏ ái ngại khi thấy nhiều bạn bè cũng đi thực tập được trả lương nên không khỏi băn khoăn:

“Xác định thực tập có lương hay chỉ để lấy kinh nghiệm?".

“Ở nhiều công ty, sinh viên thực tập làm việc không khác nào các nhân viên chính thức, thậm chí còn làm nhiều việc hơn, nếu không được trả lương là rất bất công, thiếu động lực để mình gắn bó.”, sinh viên này cho hay.

Thực tế gần đây, không chỉ các công ty nước ngoài mà nhiều công ty trong nước có chính sách trả lương cho sinh viên thực tập.

Đây được xem là cách "rút ngắn" thời gian và công sức tìm người giỏi của doanh nghiệp.

Vấn đề lương trong thời gian thực tập làm không ít sinh viên băn khoăn.
Vấn đề lương trong thời gian thực tập làm không ít sinh viên băn khoăn.

Sau thời gian thực tập, xét thấy sinh viên nào phù hợp có thể dễ dàng giữ lại làm việc, hiệu quả hơn là tuyển người mới rồi đào tạo lại.

"Cơ hội cho ai? - Whose Chance?" tập 6 đưa ra một chủ đề gây tranh cãi:

“Bạn đồng tình hay phản đối các chương trình thực tập không lương?”.

Trước chủ đề liên quan đến chương trình thực tập không lương, ứng viên Hữu Thiện đưa ra lập trường rõ ràng là không ủng hộ.

Thanh Bình (trái) và Hữu Thiện (phải).
Thanh Bình (trái) và Hữu Thiện (phải).

Anh cho rằng lương là mức giá trị mà người sử dụng lao động trả cho người lao động, để tạo ra giá trị thặng dư.

Mối quan hệ đi làm là cả 2 bên đều đạt được giá trị bản thân mong muốn.

Doanh nghiệp sử dụng lao động thì phải trả một phần thu nhập, dù mức độ quan trọng của công việc đó có thế nào đi nữa.

Ngoài ra, anh cũng cho rằng những ai chấp nhận thực tập không lương là đã hạ thấp giá trị bản thân mình.

Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến nhóm những người thực tập có lương, khiến doanh nghiệp có cái nhìn thiếu sót về hiện trạng này.

Bên cạnh đó, nam ứng viên còn khẳng định nhóm những người thực tập có lương thường sẽ có tính trách nhiệm cao hơn.

Không trả lương thực tập khi nhiều sinh viên không có động lực.
Không trả lương thực tập khi nhiều sinh viên không có động lực.

Nhóm này hiếm khi lơ là trong công việc, dẫn đến sẽ ít mang thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Việc thực tập có lương là xu hướng của hiện đại. Mình sẽ không chấp nhận việc thực tập không lương để đổi lấy kinh nghiệm làm việc thực tế. Bởi khi còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết”, Hữu Thiện bổ sung.

Ứng viên Thanh Bình cũng cho rằng việc quyết định cho sinh viên mới ra trường thực tập có lương hay không lương, đánh giá về đạo đức và môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ chấp nhận vào một doanh nghiệp lớn để thực tập không lương, chủ yếu lấy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp thường sẽ không đồng ý và vẫn chi trả trợ cấp.

Doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến trái chiều: Thực tập nhận lương, “khôn lường” hiệu quả!

“Tụi em đi học có đóng học phí không? Việc đi học mà đóng học phí là bình thường đúng không? Khi mới ra trường, tụi em như tờ giấy trắng", ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Tập đoàn ASIM chất vấn.

Ông Trí hỏi lại 2 ứng viên nếu lựa chọn thực tập tại Microsoft 3 tháng không lương và thực tập có lương tại một công ty vô danh, con đường nào sẽ nâng giá trị tiếp theo của ứng viên cao hơn.

Ông Vũ Minh Trí - CEO ASIM.
Ông Vũ Minh Trí - CEO ASIM.

"Anh đồng ý về luận điểm rất quan trọng là mình nhìn vào đạo đức của một công ty khi sử dụng lao động có trả tiền lương hay không. Trường hợp anh đưa ra sẽ không bao giờ có. Microsoft hay những công ty lớn khi nhận thực tập viên chỉ có hoặc được nhận, hoặc không, và khi được nhận sẽ có lương".

“Anh đặt ra một trường hợp cá biệt như vậy, anh ngạc nhiên khi em vẫn chọn lấy lương hơn là lấy kiến thức”, vị Sếp ASIM nhận xét về phần trả lời của Hữu Thiện.

Các công ty sẽ phải dành thời gian và nguồn lực để đào tạo thực tập sinh và cho phép các thực tập sinh tiếp cận với các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.

Không đồng ý với quan điểm trả lương hay không, đánh giá đạo đức của doanh nghiệp, CEO Elise – Lưu Nga cho rằng tất cả dựa vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Việc thực tập là dịp để học tập, nên đây không phải là một công việc để được trả lương, và thực tập sinh cũng không giữ vai trò của một nhân viên.

Còn nếu được trả tiền, họ sẽ phải chịu áp lực hơn rất nhiều, phải tự tìm hiểu, tự thân vận động để đúc rút kinh nghiệm.

Đương nhiên, khi thực tập không lương, thực tập sinh sẽ được “cầm tay chỉ việc” tận tình.
Đương nhiên, khi thực tập không lương, thực tập sinh sẽ được “cầm tay chỉ việc” tận tình.

TS Lê Tấn Bửu - Trưởng khoa Thương mại - Du lịch - Marketing, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay, nếu doanh nghiệp trả lương thì họ sẽ quản lý sinh viên như nhân sự của mình.

Tuy nhiên, sinh viên không nên phân biệt thực tập có lương hay không lương mà phải lưu ý mục đích thực tập của mình.

“Quãng thời gian này rất quý báu để sinh viên thiết lập mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng và ứng dụng được các kiến thức mình đã học. Đó là những yếu tố quan trọng nhất chứ không phải là lương”, ông Bửu nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thanh Năm - giám đốc công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược win - win cho rằng, sinh viên phải xác định được mình đóng góp được gì và nhận được gì trong khi đi thực tập.

Nhận ở đây có thể là tiền lương, thưởng hoặc cơ hội thể hiện đam mê, thực hiện các mục tiêu nghề nghiệp, trau dồi các kỹ năng, nền tảng trong tương lai.

Sinh viên mới ra trường việc trau dồi để nâng cao khả năng cọ xát và chứng tỏ giá trị của mình để có cơ hội thăng tiến.
Sinh viên mới ra trường việc trau dồi để nâng cao khả năng cọ xát và chứng tỏ giá trị của mình để có cơ hội thăng tiến.

“Tất cả các yếu tố đó bạn phải liệt kê ra và cân nhắc xem tiêu chí nào đối với mình và với một sinh viên chuẩn bị ra trường là quan trọng nhất để xếp thứ tự ưu tiên. Còn đứng về phía doanh nghiệp khi đặt ra yêu cầu sinh viên thực tập phải đáp ứng yêu cầu công việc và kỷ luật của mình thì tôi sẽ trả lương”, ông Năm nói.

Các chuyên gia cho rằng đối với sinh viên mới ra trường việc trau dồi để nâng cao khả năng cọ xát và chứng tỏ giá trị của mình là điều rất cần thiết chứ không nên quá nôn nóng.

Vì khi giá trị của bản thân được khẳng định thì thu nhập sẽ tương ứng với khả năng.

Lời kết

Nói chung, việc thực tập không lương lợi hay hại là còn tùy vào quan điểm và cách học tập của mỗi người.

Tuy nhiên, một điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là “thái độ quyết định tất cả”.

Có lương hay không lương thì thực tập sinh cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn về kỳ thực tập và thái độ làm việc sao cho hiệu quả nhất.

Việc trả lương hay không trả lương cho sinh viên thực tập còn tùy thuộc vào chính sách của mỗi công ty, chưa hẳn quyết định đến tiềm năng, cơ hội phát triển cho mỗi người.

Có thể trong thời gian thực tập không có lương nhưng nếu doanh nghiệp nhìn được khả năng của sinh viên họ sẽ có những chính sách giữ người phù hợp.