Viện giá trị doanh nghiệp IBV của IBM mới đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát với quy mô hơn 14 ngàn người trưởng thành tại 9 quốc gia để đánh giá về thái độ của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và thương hiệu về hướng tới phát triển bền vững.
Theo đó, kết quả cho thấy, đa phần người tiêu dùng đã thực sự nhìn nhận được sự cần thiết của phát triển bền vững.
Thậm chí, họ chấp nhận giảm lương cho một hành tinh xanh hơn.
Chi trả thêm cho sản phẩm thân thiện với môi trường
Sự bền vững của môi trường là yếu tố hàng đầu được quan tâm (9/10 người được khảo sát), nhiều hơn cả cháy rừng, thảm họa do các sự kiện thời tiết và thiên tai...
Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của người tiêu dùng giữa các khu vực địa lý.
Người Mỹ nằm trong nhóm ít quan tâm nhất tới tính bền vững với kết quả chỉ 51% người tiêu dùng cho biết việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là rất quan trọng, còn tỷ lệ này ở các quốc gia khác lên tới 73%.
Có tới 93% người tham gia khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quan điểm của họ về tính bền vững của môi trường.
Chọn nhà tuyển dụng có ý thức về phát triển bền vững
Có tới 71% nhân viên và người đang tìm việc được khảo sát nói rằng các công ty có kế hoạch phát triển bền vững với môi trường là những nhà tuyển dụng hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, hơn 2/3 lực lượng lao động tiềm năng cho biết họ có nhiều khả năng xin và chấp nhận công việc tại các tổ chức doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội - và gần một nửa sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn để làm việc cho các tổ chức đó.
Đồng thời, chưa đến một nửa số người tiêu dùng được khảo sát (48%) tin tưởng vào các cam kết của doanh nghiệp về tính bền vững, với 64% số người được hỏi mong đợi sự giám sát của công chúng sẽ tăng lên trong năm tới.
Liên quan đến du lịch, gần 1/3 số người được hỏi tin rằng thói quen du lịch cá nhân của họ góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
82% người tiêu dùng được khảo sát trên toàn cầu nói sẽ chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn ngay cả khi chi phí cao hơn.
Rủi ro khí hậu chính là rủi ro tài chính
Gần một nửa (48%) các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát cho biết họ cân nhắc tính bền vững trong danh mục đầu tư của họ. Bên cạnh đó, cũng có hơn 1/5 nhà đầu từ (21%) nói rằng họ sẽ cân nhắc trong tương lai.
Có tới 59% các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát cho biết dự kiến sẽ mua hoặc bán cổ phiếu đang nắm giữ trong năm tới dựa trên các yếu tố bền vững về môi trường.
Đáng ngạc nhiên là có tới 92% các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát cho rằng rủi ro khí hậu chính là rủi ro tài chính.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã có nhiều ảnh hưởng tới tình hình tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, 54% người được khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả cao cho các thương hiệu bền vững hoặc có trách nhiệm với môi trường.
Ngoài ra, 55% người tiêu dùng được khảo sát cho biết tính bền vững là rất quan trọng đối với họ khi lựa chọn một thương hiệu. Tỷ lệ này trong một khảo sát tương tự do IBM thực hiện trước đại dịch chỉ đạt 22%.
Một điểm tích cực khác là có tới 6/10 người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Bizlife