Farmstay là gì?
Farmstay là loại hình du lịch trang trại, nơi chào đón khách lưu trú đến tham quan, nghỉ dưỡng và tham gia trải nghiệm các hoạt động thực tế thú vị như nuôi trồng, thu hoạch nông sản, chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã từ chính thành phẩm tạo ra…
Đây chính là sự khác biệt độc đáo làm nên "thương hiệu" của mô hình farmstay, thu hút sự quan tâm và nhu cầu tìm hiểu, khám phá của đông đảo du khách hiện nay, nhất là giới trẻ.
Được biết, farmstay xuất hiện đầu tiên tại Italia vào năm 1980 rồi nhanh chóng lan rộng và phát triển tại Bắc Mỹ, Australia và khắp châu Á.
Tại Việt Nam, mô hình này còn khá mới và có sự biến thể nhất định – chủ yếu tập trung vào các hoạt động giải trí và nghỉ dưỡng hơn là trải nghiệm sản xuất và sinh hoạt cùng người nông dân.
So sánh farmstay và homestay?
Farmstay và homestay đều là loại hình du lịch xuất phát từ nước ngoài, có cùng thời điểm tiếp cận và phát triển mạnh tại Việt Nam trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, farmstay khác homestay về một số điểm như sau;
- Farmstay là loại hình du lịch đến các trang trại, nhà máy sản xuất; còn homestay thường là những vị trí du lịch đẹp như ven biển, ven sông, trên đồi, núi,...
- Farmstay là loại hình du lịch có xu hướng gần gũi bà con nông dân nhiều hơn homestay; homestay thường khách du lịch tìm đến nơi yên tĩnh nghỉ dưỡng, xả stress.
- Farmstay thường chỉ xuất hiện ở những vùng quê; hoặc vùng đồi núi, nơi có diện tích đất rộng, không khí trong xanh, thích hợp trồng trọt, chăn nuôi để khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận.
Homestay thì sự phát triển đa dạng hơn có thể tại trung tâm các thành phố lớn, các thị trấn, quận huyện, cho đến vùng sâu xa, ngoài biển đảo.
Vì sao nên phát triển mô hình farmstay tại Việt Nam?
1. Tận dụng lợi thế địa hình và không gian vốn có
Việt Nam là quốc gia thiên về nông nghiệp, đặc điểm địa lý lại có vùng quê và đồi núi chiếm ưu thế. Do đó, phát triển mô hình farmstay sẽ đặc biệt phù hợp.
Hơn nữa, điều kiện khí hậu, sự đa dạng về tập quán sinh hoạt và văn hoá, ẩm thực… cũng là tiềm năng để làm phong phú các sản phẩm du lịch đặc thù cho mô hình du lịch trang trại tại Việt Nam.
2. Gia tăng doanh thu
Với mô hình này, người dân địa phương có thể vừa kinh doanh du lịch, vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững,…
Đặc biệt, khi khách lưu trú cùng tham gia sinh hoạt và sản xuất, sự thích thú với những trải nghiệm có được sẽ khiến họ tích cực đăng tải hình ảnh và cảm nhận thực tế lên mạng xã hội, từ đó thu hút ngày càng đông lượng khách đến với farmstay trong tương lai.
3. Phân khúc thị trường rộng
Bất kể ai cũng có thể có nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ trong farmstay, từ trẻ em, người lớn hay du khách trong và ngoài nước; từ khách đi một mình cho đến đi theo nhóm hay gia đình, cặp đôi…
Đặc biệt, farmstay rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập, siêng năng của người trẻ, đồng thời tạo điều kiện thích hợp cho các hoạt động giao lưu văn hóa và kết giao bạn bè…
4. Phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững
Việc tìm về không gian trong lành, yên tĩnh, tránh xa khói bụi gần như trở thành "trend" trong cộng đồng người trẻ những năm gần đây và có khả năng lan tỏa rộng rãi.
Bằng chứng là nhiều hoạt động được chia sẻ trên các kênh, trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram đến các website du lịch, báo điện tử, thậm chí qua kênh truyền miệng từ chính du khách…
Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh doanh cá thể mà còn tác động mạnh mẽ đến ý thức cộng đồng, hấp dẫn du khách thập phương tìm đến trải nghiệm và quảng bá thông điệp sống xanh.
Theo Trí Thức Trẻ