Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều quốc gia quan tâm phát triển nhằm giúp người nông dân chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang kết hợp vui chơi, giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả ngành nông nghiệp và du lịch.

Trên thế giới, mô hình này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Càng ngày mô hình du lịch nông nghiệp càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng.

Du lịch nông nghiệp là gì?

Du lịch nông nghiệp (tiếng Anh: Agritourism) là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu của hoạt động này là giải trí hoặc giáo dục.

Cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp là tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra… đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, canh tác… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp.

null
Du lịch nông nghiệp là sự kết hợp giữa du lịch và các trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp cho du khách là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng đến cả những ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động, thực vật hoang dã…

Du khách sẽ được trải nghiệm trực tiếp các công việc của người nông dân.

Ví dụ: quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu hoạch mùa màng,…

Những lợi ích của du lịch nông nghiệp

Tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân

Các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.

Theo khảo sát, hầu hết các hộ nông dân làm du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có thu nhập tăng hơn năm trước từ 30-40% so với chỉ làm vườn, nuôi cá hay trồng hoa.

Nhờ phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” mà Trà Quế (Hội An) từ một làng quê nghèo, chuyên trồng rau đã trở nên giàu có, thậm chí, nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

null
Trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế.

Kinh doanh du lịch dựa trên khai thác sản phẩm từ nông nghiệp cũng giúp thay đổi cả một bản làng người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới như bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Người Mông ở đây xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn, trồng địa lan xung quanh bản...

Mọi kiến trúc của bản được người dân bảo tồn và phát huy tối đa văn hóa bản địa để làm du lịch.

null
Homestay mang đậm chất văn hóa bản địa ở bản Sin Suối Hồ.

Năm 2019, bản Sin Suối Hồ đón gần 20.000 lượt khách.

Năm 2020, bản được vinh danh là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu cả nước.

Giải quyết vấn đề đầu ra của nông sản

Du lịch gắn với nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, du lịch, người dân vùng nông thôn.

Sự kết hợp này có thể góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra nông sản.

Đặc biệt, vào những thời điểm mùa màng kém hoặc không phải vụ thu hoạch, sự có mặt của du khách sẽ giúp cải thiện thu nhập các trang trại.

null
Khách du lịch giúp giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản Việt.

Theo Tổng cục Du lịch, nhiều sản phẩm từ ngành nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành du lịch.

Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch không thể thiếu các sản phẩm từ ngành nông nghiệp.

Các sản phẩm nông nghiệp của nông dân bày bán tại các điểm du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với tiền bán vé tham quan, mà còn là công cụ quảng bá rộng rãi cho mỗi điểm du lịch.

Hỗ trợ duy trì và quảng bá nông nghiệp

Hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên hấp dẫn.

Du lịch nông nghiệp tại Việt Nam hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn.

Cùng với đó là nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.

Đây cũng là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Các mô hình du lịch nông nghiệp

Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái

Mô hình này còn biết đến với tên gọi farmstay. Farmstay là sự kết hợp giữa “farm” – nông trại và “stay” – lưu trú.

Ở mô hình này, các du khách đến để lưu trú, nghỉ dưỡng và tham quan nông trại.

Họ được tìm hiểu về bản sắc dân tộc thông qua các hoạt động thực tế thú vị như nuôi trồng, thu hoạch nông sản.

Ngoài ra, du khách còn được tự mình chế biến và thưởng thức món ăn dân dã.

Những món ăn này có nguyên liệu được tạo ra từ chính trang trại đó.

null
Mô hình farmstay thu hút khách du lịch.

Cuộc sống đô thị với khói bụi, ô nhiễm đã khiến nhiều người muốn tìm về cảnh nông thôn Việt Nam vào dịp lễ hoặc cuối tuần.

Đây là lý do khiến mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái phát triển mạnh mẽ.

Với hình thức này, chủ các khu du lịch sinh thái ở Việt Nam không cần đầu tư quá nhiều vào các hạng mục cao cấp như bể bơi, nhà hàng, quầy bar…

Những gì khách hàng tìm kiếm là một không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên.

Chàng trai Nguyễn Hà Đông ở Thanh Hóa đã giành giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ X” năm 2022 nhờ vào mô hình này.

Luôn trăn trở về việc chất lượng nông sản của địa phương rất tốt nhưng giá nông sản lại phụ thuộc thị trường, Hà Đông ấp ủ ý tưởng du lịch nông nghiệp hướng đến thương mại nông sản cho nông dân.

null
Nguyễn Hà Đông giành giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ X” năm 2022.

Dự án của Hà Đông tên là Ông Hướng Farm Stay.

Ông Hướng Farm Stay truyền tải câu chuyện xuyên suốt về những người trẻ khởi nghiệp bỏ phố về quê, hướng khách hàng sau những ngày bận bịu với công việc được trở về một nơi thơ mộng và thanh bình để tái tạo năng lượng và cuộc sống ý nghĩa hơn.

Nông trại của Đông nằm tại khu vực cánh đồng nông nghiệp rau màu lớn của huyện Đông Sơn.

Nhờ vậy mà dễ dàng kết nối khách đến farm và bà con nông dân, giúp các sản phẩm nông nghiệp của bà con đến gần hơn với khách hàng của mình và khách hàng cũng được mua nông sản trực tiếp.

Qua đó, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất nông sản an toàn “từ đồng ruộng đến bàn ăn” được hoàn thiện.

Dự án được triển khai chưa lâu nhưng đã đạt được những thành quả khả quan.

Trong thời gian tới, dự án sẽ truyền được rất nhiều cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp tại chính quê hương mình.

Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn

Đây là loại hình du lịch sinh thái gắn liền với những vườn cây ăn trái rộng lớn và trù phú.

Với những thuận lợi về đất đai, khí hậu và hệ thực vật phong phú, du lịch sinh thái miệt vườn rất phát triển ở vùng Nam Bộ nước ta, đem đến lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.

Điển hình như các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai… là những nơi có diện tích vườn cây ăn trái lớn với nhiều loại quả đa dạng.

null
Mô hình sinh thái miệt vườn ở Cần Thơ.

Du lịch sinh thái miệt vườn không những mang đến giá trị kinh tế hàng hóa mà còn tạo nên một hiệu ứng du lịch mạnh mẽ thu hút nhiều du khách.

Ngoài việc dạo mát trong những vườn cây rợp bóng, du khách còn có thể tự tay hái trái cây thưởng thức hoặc mua về làm quà cho người thân với mức giá tại vườn rất ưu đãi.

Mô hình ETA Farm (Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp)

Đây là mô hình trang trại trồng trọt và chăn nuôi đem lại nguồn thực phẩm sạch dựa trên nền tảng hữu cơ và tự nhiên ở địa phương.

Mô hình này đi vào hoạt động sẽ trở thành địa điểm trải nghiệm cho học sinh và đồng thời cũng là nơi tham quan trải nghiệm lý tưởng cho khách du lịch.

Dự án khởi nghiệp của anh Trần Thái Thiên và anh Lê Công Chính ở thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị) là một mô hình như thế.

null
Anh Thiên và anh Chính tại trang trại của mình.

Anh Thiên và anh Chính nhận thấy đất đai khí hậu ở quê mình rất lý tưởng cho việc đầu tư phát triển nông nghiệp.

Cùng với đó, nắm bắt xu thế phát triển nông nghiệp gắn liền thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, hai anh đã xây dựng ý tưởng gắn kết nông nghiệp và du lịch vào mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”.

Tuy mới bắt tay vào xây dựng mô hình chưa đầy một năm, nhưng với ý chí quyết tâm cùng niềm đam mê lớn, anh Trần Thái Thiên và anh Lê Công Chính đã dần hoàn thiện các hạng mục bước đầu.

Hiện tại vườn rau hữu cơ tại đây đã đơm hoa kết trái vụ đầu tiên.

null
Đậu Hà Lan ở vườn rau hữu cơ của trang trại đã bắt đầu đơm hoa.

Để có được tổng thể mô hình trọn vẹn, chủ trang trại dự kiến tiếp tục mở rộng thêm khoảng 04 hecta, để có hướng đầu tư phát triển lâu dài.

Anh Trần Thái Thiên chia sẻ:

Mô hình ETA Farm này ra đời sẽ tạo được một điểm đến phù hợp cho các đơn vị trường học khi xây dựng chương trình trải nghiệm cho học sinh.

Với tiềm năng lợi thế về thời tiết, khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, mô hình Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp ETA Farm ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đang mở ra triển vọng mới cho hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch ở địa phương.

Nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp.

Lĩnh vực này giải quyết bài toán đầu ra ổn định cho nông sản sạch và chất lượng cao.

Không những vậy, du lịch nông nghiệp tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người nông dân.

Du lịch nông nghiệp đang được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khi con người ngày càng ý thức hơn về bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống bằng cách sử dụng thực phẩm hữu cơ.