Du lịch sinh thái và gần đây là du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.
Việt Nam được biết đến là đất nước nông nghiệp với hơn 60% nhân lực đang làm trong ngành nông, lâm nghiệp này tính đến năm 2005.
Ngoài ra việc tự do sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng và sản xuất lúa gạo đã giúp cho Việt Nam giữ vững vị trí là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo sang các nước.
Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu nhiều nông sản khác như: Sợi bông, hạt cà phê, cao su, trà…
Với sự phát triển cây nông nghiệp đa dạng và phong phú cộng với đặc thù của một quốc gia nhiệt đới, những năm qua nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh kết hợp với nền nông nghiệp công nghệ cao.
Từ ngành nông nghiệp đơn thuần sản xuất để cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người.
Mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch thời gian gần đây nở rộ và được dự báo sẽ trở thành xu hướng du lịch xanh, giúp con người sống hòa mình và gần gũi hơn với thiên nhiên.
Vậy du lịch nông nghiệp là gì?
Du lịch nông nghiệp là dịch vụ được tổ chức dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách có nhu cầu giải trí hoặc giáo dục.
Du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như: tham quan và tìm hiểu về động thực vật, tự tay thu hoạch trái cây, rau củ,...
Việc thu hút du khách đến tham quan sẽ mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch cũng như gia tăng thu nhập của người nhà nông.
Các mô hình du lịch nông nghiệp phổ biến hiện nay
1. Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch
Trải dài Việt Nam có hàng ngàn làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống.
Đây là nền tảng vững chắc để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ nhiều năm gần đây.
Nếu đến vùng núi phía Bắc, du khách có thể tham quan nông trường Mộc Châu, ruộng bậc thang Sapa, bản làng ở Hòa Bình...
Khi ghé thăm miền Trung lại có làng rau Trà Quế Hội An, làng gốm Thanh Hà…
Đến với miền Tây, du khách có thể trở thành người nông dân miền quê sông nước để đi cấy, tát mương bắt cá, trồng rau…
Đây không chỉ là dịp để bạn nghỉ dưỡng mà còn là cơ hội thử thách bản thân, khám phá cuộc sống của những vùng đất mới.
2. Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái
Cuộc sống đô thị với khói bụi, ô nhiễm đã khiến nhiều người muốn tìm về cảnh nông thôn Việt Nam vào dịp lễ hoặc cuối tuần.
Đây là lý do khiến mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái phát triển mạnh mẽ.
Với hình thức này, chủ các khu du lịch sinh thái ở Việt Nam không cần đầu tư quá nhiều vào các hạng mục cao cấp như: bể bơi, nhà hàng, quầy bar…
Bởi những gì khách hàng tìm kiếm là một không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên.
3. Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn
Đây là mô hình du lịch nông nghiệp đặc biệt phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam.
Điển hình như các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai… là những nơi có diện tích vườn cây ăn trái lớn với nhiều loại quả đa dạng.
Du lịch sinh thái miệt vườn không những mang đến giá trị kinh tế hàng hóa mà còn tạo nên một hiệu ứng du lịch mạnh mẽ thu hút nhiều du khách.
Khi ghé tham quan các miệt vườn, ngoài việc dạo mát trong những vườn cây rợp bóng, bạn còn có thể tự tay hái trái cây thưởng thức hoặc mua về làm quà cho người thân với mức giá tại vườn rất dễ chịu.
Nhiều chủ vườn còn đầu tư thêm các dịch vụ như homestay, phục vụ các món ăn đặc sản của địa phương như: rượu dừa, gỏi chôm chôm, cá lóc nướng trui.
Bên cạnh đó, một số nơi còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách với các nghề thủ công như: làm kẹo, dệt vải, lấy mật ong…
4. Mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp “chữa lành”
Khi nghiên cứu về du lịch nông nghiệp, người ta đã khám phá ra mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam này.
Khi trải nghiệm những tour du lịch nghỉ dưỡng, du khách sẽ có những trải nghiệm chuyên biệt, mang nét riêng và không pha trộn.
Du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên để thưởng thức những món ngon theo chế độ ăn uống dược thiện bổ dưỡng.
Sau những ngày làm việc đầy stress, chỉ với một ngày cuối tuần trải nghiệm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch này, bạn sẽ thấy như trút bỏ mọi ưu phiền, lo nghĩ cũng như có thời gian phục hồi sức khỏe.
Một số địa điểm du lịch nông nghiệp hút khách ở Việt Nam
1. Những cánh đồng hoa “mọc” ngay trên các nương lúa, ngô tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai)
Một số hộ nông dân tại huyện Si Ma Cai (Tỉnh Lào Cai) đã chuyển đổi đất trồng ngô, trồng lúa sang trồng các loại hoa phục vụ du lịch.
Đây là hướng đi mới trong làng du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, sự đổi mới này cho thấy sự nhanh nhạy của bà con vùng cao trong nắm bắt xu hướng phát triển hiện nay.
Điển hình là đồi hoa của gia đình bà Giàng Thị Sáo ở thôn Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai.
Trước đây, gia đình bà Sáo trồng ngô, mỗi năm một vụ, thu nhập thấp.
Từ hai năm nay, nương ngô trở thành nương hoa, từ cánh bướm, hoa cải rồi hoa tam giác mạch.
Gia đình bà cho mọi người thỏa sức đến chụp ảnh, ngắm hoa.
Với gia đình bà Sáo, nguồn thu cũng vì thế được nhiều hơn.
Bà Giàng Thị Sáo cho biết thêm: "Tôi trồng hoa chủ yếu cho các bạn trẻ đến chơi, chụp ảnh. Giống hoa đắt nhưng so với trồng ngô, lúa vẫn có thu nhập cao hơn. Thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa, trồng đa dạng các loài hoa để thu hút được nhiều khách tham quan".
Ngoài trồng hoa, bà Sáo cũng tìm tòi cách để thu hút nhiều khách hơn bằng cách tạo dựng các tiểu cảnh xen kẽ như các chòi nghỉ mát, xích đu, bố trí những dây chong chóng... cho vườn hoa thêm rực rỡ.
Anh Giàng Sơn Tinh, ở xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Ở đây hoa và view cũng rất đẹp, phù hợp cho mọi người đến ngắm cảnh. Cuối tuần tôi sẽ rủ bạn bè hoặc người thân, gia đình tới đây".
2. Làng rau Trà Quế - Điểm đến không thể bỏ lỡ tại Hội An
Mặc dù có vô vàn điểm vui chơi hấp dẫn tại Hội An nhưng làng rau Trà Quế vẫn là cái tên khó lòng bỏ qua với những du khách yêu thích thiên nhiên và mong muốn trải nghiệm cuộc sống làng quê đích thực.
Làng rau Trà Quế thuộc làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam.
Nơi đây có khí hậu mát mẻ, dễ chịu quanh năm, rất thích hợp cho các hoạt động vui chơi, khám phá.
Theo người dân nơi đây kể lại, làng rau Trà Quế Hội An trước kia có tên là Nhự Quế, trồng các loại rau có mùi hương như cây quế.
Đến thế kỉ 18, có một vị vua triều Nguyễn ghé qua, nghe đến loại rau lạ có vị cay nồng như quế, mùi thơm dễ chịu như hoa trà cho nên đã đổi tên làng thành Trà Quế.
Tham quan làng rau Trà Quế - Một trong những địa điểm du lịch Hội An thú vị, bạn đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm công việc của một nông dân đích thực.
Bạn sẽ được người dân bản địa hướng dẫn từ A-Z và được giới thiệu tỉ mỉ cách xới đất, gieo hạt, tưới cây và thu hoạch rau.
Mặc dù có chút thấm mệt nhưng đảm bảo sau khi kết thúc công việc, bạn sẽ hiểu thêm về cuộc sống của một người làm nông cũng như cảm nhận được sự dung dị nơi làng quê thôn xóm.
Tham gia lớp học nấu ăn ở làng rau Trà Quế cũng là một trong những hoạt động thú vị khi du lịch làng rau Trà Quế Hội An.
Bạn sẽ được các đầu bếp hướng dẫn cách lựa chọn nguyên liệu và chế biến những món ăn đặc sản của Hội An như bánh xèo, mì Quảng và có thể trực tiếp thưởng thức chúng sau khi làm xong.
3. Nhà vườn Organic tại Đà Lạt
Tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, nhà vườn Organic cũng là một trong những nhà vườn đang phát triển mạnh theo sản xuất sản phẩm đạt chuẩn Organic (hữu cơ) của châu Âu.
Các loại rau, củ, quả đều có thể ăn liền và được gieo trồng theo phương thức canh tác khép kín chuẩn hữu cơ của châu Âu và không sử dụng hóa chất.
Ngoài các loại hình dịch vụ du lịch tham quan, học hỏi kiến thức mới về sản xuất hữu cơ, du khách còn có thể tham gia các lớp học liên quan đến chế biến các loại salad ngay tại vườn.
4. Khu du lịch Cồn Sơn (Cần Thơ) - Miền quê yên bình, trong lành với vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc
Là mảnh đất thuộc miền Tây Nam Bộ, Cồn Sơn có khí hậu ôn hòa và nắng ấm quanh năm.
Mỗi mùa ở Cồn Sơn đều mang một sắc thái và dư vị riêng biệt.
Thông thường, mùa du lịch Cồn Sơn sẽ bắt đầu từ tháng 4 - tháng 7 hàng năm.
Đây là thời điểm những vườn trái cây tại đây như nhãn, chôm chôm, bưởi, vú sữa, mít, ổi… chín rộ.
Du khách đến Cồn Sơn sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân tại đây.
Với những ai đã quen với cuộc sống ở thành phố thì chắc hẳn sẽ rất tò mò và thích thú với các hoạt động ở đây.
Cồn Sơn được bao bọc xung quanh bởi vườn tược và cây cối.
Nếu bạn muốn tham quan vườn trái cây hay muốn tìm hiểu, tự tay làm các món bánh nổi tiếng của người dân miền Tây như: bánh khọt, bánh kẹp nướng, bánh in,…thì có thể hỏi người dân để các nhà vườn có thể sắp xếp, chuẩn bị và hướng dẫn cho bạn.
Với sự khéo léo và kinh nghiệm của mình, một số người dân trên cồn đã biết cách huấn luyện bầy cá lóc "bay" rất điệu nghệ, đẹp mắt mỗi khi cá được cho ăn.
Cặp Cồn Sơn, cách trung tâm hành chánh quận Bình Thủy, TP Cần Thơ một chuyến đò ngang chừng 500m là nhà lồng bè nuôi cá của ông Lý Văn Bon (Bảy Bon).
Ở đây đang nuôi nhiều loại cá nhưng chủ lực vẫn là thác lác cườm - một đặc sản của miền Tây Nam bộ.
5. Làng nổi Tân Lập - Mảng xanh mênh mông nổi lên ngay giữa đồng bằng sông Cửu Long
Đến với Làng nổi Tân Lập, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên, có cái nhìn đầy đủ và chân thật nhất về nét đẹp chân phương kết hợp hài hòa từ phong cảnh yên bình và con người miền Tây sông nước.
Với bất kỳ khoảnh khắc nào, du khách cũng có thể cảm nhận đuợc hương vị đồng quê với cây xanh, nắng gió, hoa và chim chóc, tạo nên một sắc thái rất riêng biệt và thư thái cho một kỳ nghỉ không thể nào quên.
Với hệ sinh thái động thực vật đa dạng được bảo tồn tự nhiên, tại Làng Nổi Tân Lập cũng có một số loài được bảo tồn và chăm sóc đặc biệt giúp chúng phát triển nhanh và đồng bộ.
Vào mùa nước nổi, đồng ruộng xung quanh ngập chìm trong nước.
Đứng trên cao nhìn xuống, Làng Nổi Tân Lập tựa những chiếc bè xanh khổng lồ nổi bấp bênh trông như một quần đảo xanh thẳm giữa biển nước trắng xóa.
Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên với một môi trường xanh vô cùng sống động về một hệ sinh thái rừng ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười.
Kết luận
Phát triển kinh tế du lịch từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tích cực của các địa phương trên cả nước.
Nhưng để du lịch phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong hoạch định chiến lược cụ thể.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền nên kết hợp cùng với người dân chọn lựa cách làm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, cập nhật hình ảnh qua các kênh thông tin điện tử, mạng xã hội nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc bản địa.