Đại sứ thương hiệu là ai?

Brand Ambassador (đại sứ thương hiệu) – danh xưng cao quý mà các nhà mốt quốc tế dùng để gọi tên gương mặt đại diện. 

Đại sứ được thương hiệu lớn thường là:

Những ngôi sao tầm cỡ, Influencers có tầm ảnh hướng lớn, đôi khi danh tiếng của họ còn đến từ một số lĩnh vực khác như: âm nhạc, điện ảnh, thể thao, Blogger, doanh nhân,… 

Đại sứ thương hiệu là những người có tầm ảnh hưởng lớn được thương hiệu lựa chọn hợp tác dài hạn hoặc ngắn hạn (Ảnh: Internet).
Đại sứ thương hiệu là những người có tầm ảnh hưởng lớn được thương hiệu lựa chọn hợp tác dài hạn hoặc ngắn hạn (Ảnh: Internet).

Năng lực của đại sứ thương hiệu? - “Bộ mặt” của một thương hiệu

Đại sứ thương hiệu thường có mạng lưới và mối quan hệ thiết lập để quảng bá một thương hiệu nhất định thông qua:

- Mức độ nổi tiếng của đại sứ giúp các thương hiệu được thỏa sức lan tỏa thông điệp, sức sáng tạo, thành phẩm của mình tới khách hàng thông qua từng cử chỉ, hình ảnh, phong cách và phát ngôn của họ. 
- Khả năng giao tiếp tốt và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân, các đại sứ có quyền tác động đến ý kiến ​​và quyết định mua hàng của khách hàng.
- Tăng mức độ nhận diện thương hiệu đi kèm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Trở thành một phần trong chiến lược tiếp thị, mạng xã hội và truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu và tạo ra nhiều doanh thu hơn.

BTS trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu của Louis Vuitton (Ảnh: Style Republik).
BTS trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu của Louis Vuitton (Ảnh: Style Republik).

Từ đó, có thể thấy rằng, đại diện thương hiệu nếu sở hữu tầm ảnh hưởng lớn trong ngành cùng với lượng người hâm mộ đông đảo, các đại sứ có thể giúp thương hiệu nâng cao độ nhận biết và doanh số bán hàng hiệu quả. 

Khách hàng thậm chí không ngần ngại chi số tiền lớn để mua cho bằng được một sản phẩm giới hạn nào đấy, đơn giản vì họ quá yêu thích gương mặt đang đại diện cho dòng sản phẩm ấy. 

Tại sao cần những đại sứ thương hiệu có năng lực?

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, Local Brand, việc sử dụng linh vật thương hiệu và những người có ảnh hưởng vi mô và nano mang lại hiệu quả về mặt chi phí hơn và vẫn giữ độ tương tác với khách hàng cũng như mục tiêu kinh doanh.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy:

Lợi nhuận thu về cho những quảng cáo có sử dụng người nổi tiếng cao gấp 27 lần chi phí bỏ ra. 

Người đại diện ưu tú, có năng lực là yếu tố quyết định thành, bại của chiến dịch truyền thông. 

Thậm chí, đại sứ thương hiệu không chỉ tác động lớn lên doanh thu của nhãn hàng mà còn có khả năng “vực dậy” một thương hiệu đã bão hòa sao một thời gian dài. 

Ví như: Michael Jordan, BlackPink, Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Khả Ngân.

1. Michael Jordan - Vực dậy thương hiệu Nike

Sau năm 1983, khi thị thường bão hòa, Nike từ một cái tên dẫn đầu thị trường giày thế giới đã không thể cứu vãn doanh thu khi nó đã bị giảm chỉ còn chưa đến 1 triệu USD.

Ngay sau đó, hãng này đã lựa chọn cầu thủ Michael Jordan làm gương mặt đại diện trong mùa giải 1984-1985. 

Trong giới bóng rổ nói riêng và toàn thế giới nói chung, Michael Jordan là đỉnh cao huyền thoại trong sự nghiệp bóng rổ và kinh doanh.

Michael Jordan - Người vực dậy thương hiệu Nike (Ảnh: Nike).
Michael Jordan - Người vực dậy thương hiệu Nike (Ảnh: Nike).
Kết quả là doanh số của Nike đã tăng vọt lên 900 triệu USD tại thời điểm đó. 

Sau hơn 10 năm, con số này đã lên đến 9 tỉ USD.

2. BlackPink - “Đại sứ thương hiệu toàn cầu" khiến các thương hiệu “cháy hàng" chỉ trong vài giây

Còn nhớ khi Chanel, Dior, Celine và Saint Laurent lần lượt gọi tên bốn cô nàng xinh đẹp, tài năng của nhóm nhạc BLACKPINK: Jennie, Jisoo, Lisa, Rosé cho vị trí ‘Đại sứ thương hiệu toàn cầu’. 

Vô số tựa báo và kênh truyền thông đưa tin, người hâm mộ nhanh chóng vào Fanpage, Instagram, Website của nhãn hàng để được ngắm hình ảnh thần tượng. 

Nhờ đó, lượt traffic tăng cao đột biến, đi kèm theo là hàng loạt sản phẩm từ các bộ sưu tập kết hợp cùng nàng đại sứ mới bắt đầu cháy hàng chỉ trong vài giây ngắn ngủi.  

Bốn thành viên BlackPink đều là đại sứ toàn cầu (Ảnh: allkpop).
Bốn thành viên BlackPink đều là đại sứ toàn cầu (Ảnh: allkpop).

Chính bộ máy quản lý chặt chẽ, sự đa diện của các ngôi sao từ làng giải trí Hàn Quốc khiến các ngôi sao trở thành quyết định đầu tư kinh tế cho các thương hiệu toàn cầu. 

Mới đây nhất, tạp chí Madame Figaro tiết lộ thương hiệu trang sức xa xỉ Cartier đã đưa ra hợp đồng với thù lao gấp đôi Dior để mời Jisoo làm đại sứ. 

Hiện tại, Jisoo đang là Đại sứ toàn cầu dòng thời trang và mỹ phẩm của Dior, đồng thời là Đại sứ toàn cầu của trang sức Cartier (Ảnh: Instagram @sooyaaa__).
Hiện tại, Jisoo đang là Đại sứ toàn cầu dòng thời trang và mỹ phẩm của Dior, đồng thời là Đại sứ toàn cầu của trang sức Cartier (Ảnh: Instagram @sooyaaa__).

Dù là đối thủ, nhưng vì Jisoo nên cả hai thương hiệu đã cùng kết hợp trong một quảng cáo của chị cả BLACKPINK.

3. Sơn Tùng M-TP - Mang thương hiệu gần như “sắp hết thời" Biti’s quay lại thị trường

Bằng chứng là ca sĩ Sơn Tùng M-TP cùng với MV Lạc trôi đã khiến cho Biti’s Hunter trở thành một cơn sốt trong năm 2017. 

Tương tác cực khủng nhờ độ phủ sóng của Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn lúc bấy giờ (Ảnh chụp màn hình).
Tương tác cực khủng nhờ độ phủ sóng của Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn lúc bấy giờ (Ảnh chụp màn hình).

Ông Hùng Võ - Phó tổng giám đốc tiếp thị của Biti’s Việt Nam kể lại về cơn sốt giày Hunter vào đầu năm 2017:

“Chỉ trong 48 tiếng đầu tiên đăng tải, MV 'Lạc trôi' do Sơn Tùng M-TP thể hiện đạt tới 7 triệu lượt xem trên Youtube. Trong vòng 7 ngày, mẫu giày ca sĩ này 'diện' trong movie đã được bán hết”.

Sau cơn sốt từ “Lạc Trôi”, Biti’s đã quay trở lại cùng Sơn Tùng M-TP (Ảnh: Biti’s).
Sau cơn sốt từ “Lạc Trôi”, Biti’s đã quay trở lại cùng Sơn Tùng M-TP (Ảnh: Biti’s).

Màn kết hợp đúng người – đúng thời điểm này của Biti’s đã đưa thương hiệu về với đường đua thời trang khốc liệt, cũng như khẳng định cho giới mộ điệu Việt rằng: 

“Chúng tôi đã trở lại và sẵn sàng hành trình chinh phục mới!”. 

4. Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Mia.vn hướng tới vị trí Top 1 thương hiệu vali tại Việt Nam

Gần đây nhất, Mia.vn tiếp tục khẳng định mục tiêu hướng tới vị trí Top 1 thương hiệu vali tại Việt Nam khi lựa chọn Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên trở thành đại sứ thương hiệu.

Kể từ khi giành được chiếc vương miện Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 (đấu trường nhan sắc lớn thứ 6 quốc tế) đầu tiên về cho Việt Nam, Thùy Tiên đã sở hữu lượng fan "khủng".

Đồng thời, cô còn là người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, thực hiện rất nhiều dự án nhân ái thiện nguyện (với vai trò Hoa Hậu) và cả dự án truyền cảm hứng (với vai trò diễn giả truyền cảm hứng) từ trong nước cho đến quốc tế. 

Sau chuỗi dự án truyền cảm hứng mang tên "Step by Tien", Hoa hậu Thùy Tiên tiếp tục sang nước ngoài thực hiện các dự án nhân ái Latin Tour, ở nhiều quốc gia tại Châu Mỹ. 

Sau đó là chuyến thiện nguyện tại Angola, không còn đơn thuần là nhiệm vụ của một Hoa hậu Hòa bình Quốc tế mà còn là hình ảnh của con người Việt Nam với trái tim nhân hậu và tình yêu thương. 

Có thể nói, Thùy Tiên mang niềm tự hào của người con đất Việt đến với Angola, giúp cải thiện hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Chuyến đi đến Angola gần đây cũng có bóng dáng của thương hiệu Mia.vn (Ảnh: Mia.vn).
Chuyến đi đến Angola gần đây cũng có bóng dáng của thương hiệu Mia.vn (Ảnh: Mia.vn).

Ông Trần Anh Tuấn, Founder Mia.vn chia sẻ: 

“Không chỉ đơn thuần là một đơn vị kinh doanh, Mia.vn hướng tới việc lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. 

Tôi quyết định theo một hướng mới: Balo, túi xách phải bảo hành trọn đời cho người dùng. 

Cho dù khách làm đứt một sợi chỉ, khoá bị hư, tôi cũng bảo hành. 

Mia.vn tin rằng, việc lựa chọn hoa hậu Thuỳ Tiên – người luôn mang trong mình nguồn năng lượng tích cực, sự tự tin và khát vọng chiến thắng làm đại sứ thương hiệu sẽ giúp Mia.vn tiến nhanh hơn trên hành trình chinh phục thị trường của mình”.

Miss Grand International 2021 là cái tên hot trong thời điểm gần đây, được chọn là đại sứ thương hiệu cho Mia.vn (Ảnh: Mia.vn).
Miss Grand International 2021 là cái tên hot trong thời điểm gần đây, được chọn là đại sứ thương hiệu cho Mia.vn (Ảnh: Mia.vn).

5. Khả Ngân - Pantene hướng tới Gen Z, thương hiệu chăm sóc tóc dành cho giới trẻ

Ngày 29/7 vừa qua, Pantene chính thức công bố nữ diễn viên Khả Ngân sẽ trở thành Đại sứ thương hiệu của nhãn hàng tại Việt Nam. 

Với mong muốn chuyển mình về định vị vốn có: 

“Thương hiệu chăm sóc tóc cải tiến liên tục mang đến cho các bạn nữ trẻ trên toàn thế giới một mái tóc chắc khoẻ hơn để tiến về phía trước”. 

Pantene quyết định đồng hành cùng Khả Ngân – cô nàng diễn viên đa tài, năng động đang rất được khán giả yêu thích.

Pantene chọn diễn viên Khả Ngân là đại sứ thương hiệu (Ảnh: Pantene).
Pantene chọn diễn viên Khả Ngân là đại sứ thương hiệu (Ảnh: Pantene).

Sau màn chuyển mình mạnh mẽ từ một hot girl boxing sang một nữ diễn viên tài năng, thời điểm gần đây, Khả Ngân ngày càng toả sáng khi xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh qua các vai diễn hay các chương trình thực tế. 

Chính điều này đã tạo nên giá trị đồng điệu giữa Khả Ngân với thương hiệu Pantene. 

Pantene tin rằng một mái tóc khoẻ đẹp sẽ giúp các bạn trẻ tự tin mở rộng khả năng của bản thân, tiến về phía trước và trở thành con người mà họ muốn. 

Pantene Vietnam vừa tổ chức sự kiện giao lưu, gặp gỡ gương mặt đại diện mới và chia sẻ với các nàng những cách chăm sóc tóc phù hợp nhất (Ảnh: Pantene).
Pantene Vietnam vừa tổ chức sự kiện giao lưu, gặp gỡ gương mặt đại diện mới và chia sẻ với các nàng những cách chăm sóc tóc phù hợp nhất (Ảnh: Pantene).

Đồng thời, sự góp mặt của Khả Ngân trong vai trò Đại sứ thương hiệu Pantene tại Việt Nam hứa hẹn trẻ hoá hình ảnh của Pantene trong lòng phụ nữ trẻ, đồng thời đem đến cái nhìn mới cùng nhiều thông điệp truyền cảm hứng về tóc đẹp và Self-love đến khách hàng.

Bằng chiến lược tiếp thị và truyền thông đánh trúng insight khách hàng như hiện nay, Pantene hẳn sẽ có cơ hội lội ngược dòng và trở lại vị thế hoàng kim của một thương hiệu chăm sóc tóc dành cho giới trẻ.

Những vấn đề còn tồn tại - Đại sứ thương hiệu chưa phải là giải pháp tối ưu

Qua đó, có thể thấy những lợi thế của đại sứ thương hiệu là không cần bàn cãi.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề trăn trở cho các thương hiệu như:

- Độ nguy hiểm khi va phải Scandal;
- Bài toán chi phí;
- Sự phù hợp.

Ngoài ra, một thương hiệu quốc tế đã sử dụng “Đại sứ thương hiệu” có năng lực vượt trội, không phải là Celeb mà vẫn cực kỳ thành công và tối ưu chi phí, chính là Adobe sử dụng “Đại sứ" nhân viên.

1. Cảnh báo về độ nguy hiểm - Scandal từ Đại sứ thương hiệu

Brand Ambassadors thường gắn liền với thương hiệu trong thời gian dài hơn (long-term) với chu kỳ 1-2 năm hoặc lâu hơn nữa phù thuộc vào độ gắn kết giữa họ và thương hiệu cũng như sự phát triển của thị trường.

Đại sứ thương hiệu là bộ mặt của thương hiệu nên nếu Scandal xảy ra, các gương mặt đại diện có làm gì sai trái với tiêu chuẩn đạo đức, pháp luật cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu.

Ví như: Kris Wu, Travis Scott, Trịnh Sảng… đã gây lao đao cho nhiều thương hiệu.

Trịnh Sảng trong chiến dịch quảng bá của Prada và đang là cái tên bị phong sát (Ảnh: Prada).
Trịnh Sảng trong chiến dịch quảng bá của Prada và đang là cái tên bị phong sát (Ảnh: Prada).

Đọc thêm:

- Thời trang và những canh bạc mang tên "Người ảnh hưởng" và "Đại sứ thương hiệu".

- Prada tiếp tục lao đao vì scandal của Trịnh Sảng.

2. Bài toán chi phí khi bắt tay với người nổi tiếng – Trăn trở của mọi thương hiệu quy mô vừa và nhỏ

Bài toán chi phí cho Marketing, quảng cáo, thực thi chiến dịch truyền thông luôn luôn là vấn đề khiến các Local Brand phải trăn trở. 

Về cơ bản, tham vọng của mọi thương hiệu là sở hữu một cú “Hit” thông qua chiến dịch quảng bá nhằm đem lại hiệu quả tốt cả về doanh số lẫn độ phổ biến trên các phương tiện truyền thông. 

Như đã đề cập ở trên, một chiến dịch có tiềm năng thành công rực rỡ nếu chọn đúng đại sứ thương hiệu và một mốc thời điểm phù hợp (cộng thêm chút may mắn). 

Tuy nhiên, tạm thời lược bớt những khó khăn trong việc tìm kiếm và làm việc cùng người nổi tiếng, với quy mô còn khá khiêm tốn, ắt hẳn chi phí để mời một ngôi sao cho vị trí đại sứ thương hiệu của Local Brand là rất đắt đỏ. 

Bài toán kinh phí là điều các Local Brand phải đối mặt khi có dự định về đại sứ thương hiệu (Ảnh: Unsplash).
Bài toán kinh phí là điều các Local Brand phải đối mặt khi có dự định về đại sứ thương hiệu (Ảnh: Unsplash).

Đó là còn chưa kể đến một số chi phí phát sinh trong quá trình hợp tác, vậy nên không quá khó hiểu khi nhiều thương hiệu Việt vẫn chưa mấy mặn mà với danh xưng này. 

3. Sự phù hợp - Có nhất thiết cần đại sứ thương hiệu?

Nhiều thương hiệu vừa và nhỏ với quy mô, mức độ tiêu dùng, tập khách hàng còn hạn chế, việc lựa chọn đại sứ thương hiệu là không cần thiết.

Thay vào đó, nên chọn lựa phương pháp linh vật thương hiệu hoặc các Micro, Nano Influencers, KOL, KOC,...

Dù đại diện thương hiệu có sức hút lớn đến đâu, sự phù hợp vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu để thương hiệu đưa ra quyết định hợp tác. 

Suy cho cùng một quảng cáo dù lôi cuốn, hấp dẫn người xem đến mấy nhưng chưa đủ kích thích nhu cầu mua sắm của khán giả thì nó vẫn không đem lại giá trị (tỷ lệ chuyển đổi thấp hoặc bằng 0). 

Thương hiệu nên hiểu tệp khách hàng, mức độ tiêu dùng và quy mô của mình ở đâu và lựa chọn những phương pháp Marketing phù hợp (Ảnh: Unsplash).
Thương hiệu nên hiểu tệp khách hàng, mức độ tiêu dùng và quy mô của mình ở đâu và lựa chọn những phương pháp Marketing phù hợp (Ảnh: Unsplash).

Nếu cho rằng cần thiết phải chọn đại sứ thương hiệu, các doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố như:

- Sự liên quan: Mức độ tương quan giữa ngôi sao và hình ảnh thương hiệu;
- Thương hiệu cá nhân: Quan niệm sống, phong cách thời trang, phát ngôn;
- Người hâm mộ: Thông tin nhân khẩu học, chủ đề quan tâm;
- Chỉ số cảm xúc: Chỉ số này liên quan đến việc đại sứ thương hiệu này mang lại cảm xúc tích cực hay tiêu cực cho các đối tượng khách hàng tiềm năng.

4. Adobe - Xu hướng phát triển các “Đại sứ thương hiệu” có năng lực vượt trội, không cần là Celeb

Theo Dale Carnegie, Adobe xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đi kèm với các “Đại sứ thương hiệu” có năng lực vượt trội.

Đó là chính những nhân viên của công ty, cùng nhau đóng góp vì sự phát triển của thương hiệu:

- Khuyến khích nhân viên viết bài, đăng ảnh về “Cuộc sống Adobe";
- Tổ chức các cuộc thi về cảm nhận của “Cuộc sống Adobe";
- Xây dựng chương trình “Đại sứ Adobe";
- Khuyến khích nhân viên viết bài đăng LinkedIn;
- Đề nghị nhân viên đưa đánh giá, cảm nhận trên trang Glassdoor.

Dale Carnegie đề cập đến chiến dịch phát triển "Đại sứ thương hiệu" có năng lực vượt trội của Adobe (Ảnh chụp màn hình).
Dale Carnegie đề cập đến chiến dịch phát triển "Đại sứ thương hiệu" có năng lực vượt trội của Adobe (Ảnh chụp màn hình).

Đây là một xu hướng đổi mới mang tính trải nghiệm mới mẻ, vừa hướng tới trải nghiệm khách hàng, vừa hướng tới trải nghiệm nhân viên, vừa tối ưu hóa chi phí.

Đồng thời cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp có thể tham khảo.

Nhân viên chính là đại sứ lớn nhất của Adobe (Ảnh: Adobe).
Nhân viên chính là đại sứ lớn nhất của Adobe (Ảnh: Adobe).

Đọc thêm: 6 năm nhìn lại chiến lược đổi mới mang tính trải nghiệm.

Lời kết

Qua đó ta có thể kết luận rằng, sự thành công của một chiến dịch còn phụ thuộc rất nhiều vào nhân vật đại diện cho toàn bộ chiến dịch ấy. 

Một đại sứ thương hiệu có năng lực vượt trội có thể làm nhiều điều không tưởng cho nhãn hàng.

Tuy nhiên, độ phù hợp, scandal cũng như chi phí là các vấn đề mà doanh nghiệp nên xem xét khi quyết định lựa chọn sử dụng đại sứ thương hiệu.

Sự đổi mới sáng tạo cũng là điều mà các doanh nghiệp nên hướng tới.