Làm mới từ những điều xưa cũ 

Băng vệ sinh thân thiện với môi trường không phải là một sản phẩm mới, nhưng cách chúng tôi tiếp cận sản phẩm này sẽ hoàn toàn mới: 

Sử dụng thanh long - một nguyên liệu thiên nhiên đầy tiềm năng với số lượng khổng lồ ở vùng Đông Nam Á. 

Hiện nay, trên thị trường đã có một số sản phẩm tương tự, nhưng độ thấm hút vẫn còn yếu cũng như nguyên liệu sử dụng đòi hỏi sự nuôi trồng kĩ lưỡng. 

“Bằng việc tận dụng fiber và pectin có trong vỏ thanh long, chúng tôi sẽ mang tới một sản phẩm thay thế với khả năng trữ nước vượt trội cũng như giải quyết được vấn đề rác thải nông nghiệp" - nhóm ADORBSIES (Những thứ dễ thương) viết trong sản phẩm dự thi The Earth Prize 2022 - cuộc thi về môi trường bền vững trên toàn cầu dành cho học sinh từ 13 đến 19 tuổi. 

"Chúng em rất bất ngờ khi được xướng tên là nhóm thắng cuộc và cũng rất vui bởi sau 6 tháng nỗ lực đã được đền đáp", thành viên Bùi Tú Uyên (THPT chuyên Hanoi Amsterdam và Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết.

Tú Uyên kể, hồi tháng 9/2021, những lời kêu gọi cộng đồng, xã hội tham gia "giải cứu nông sản" với các điểm bán thanh long rẻ tràn khắp các thành phố lớn như Hà Nội khiến các cô gái thế hệ GenZ chú ý. 

Nhận thấy loại nông sản này có thể sử dụng như một chất liệu dễ phân hủy, Quỳnh Anh (Dorothy), Uyên và Huyền đã nghĩ đến dự án sản xuất băng vệ sinh thân thiện với môi trường - điều gần như chưa xuất hiện tại thị trường Việt Nam. 

Ý tưởng này đã gieo mầm cho dự án vừa nhận tiền thưởng 100.000 USD của họ.

Ban đầu nhóm nghĩ về việc làm sản phẩm như tã trẻ em, sau lại quyết định làm ra đồ dùng thân thuộc với phái nữ. 

Đây không phải hướng mới nhưng cách tiếp cận của nhóm hoàn toàn khác biệt đó là sử dụng thanh long - loại quả được trồng và bán rộng rãi ở Việt Nam.

"Chúng em đã tìm hiểu về nhiều loại nguyên liệu như tre, vỏ chuối, song khá ngạc nhiên khi chưa có nhiều quan tâm và khai thác về tính chất lý hóa của thanh long", Uyên nói, thêm rằng đây là nguyên liệu tiềm năng giúp giải quyết vấn đề nông sản và tận dụng chính rác thải nông nghiệp, đồ thừa.

Là người phụ trách chính kỹ thuật, Uyên cho biết nhóm tận dụng fiber và pectin có trong vỏ thanh long để tạo sản phẩm với khả năng thấm hút tốt. 

Cụ thể fiber dùng trong lớp chính thấm hút và pectin làm màng sinh học bọc lớp ngoài chống tràn. 

Nhóm nữ sinh cùng nhau phân tích tính chất lý hóa của thanh long, chiết sợi fiber để kiểm nghiệm cũng như làm sản phẩm mẫu thô.

Tú Uyên nói việc nghiên cứu và tìm hiểu về cách xử lý nguyên liệu để tạo ra sản phẩm là phần khó nhất. "Vì là nguyên liệu mới nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý", cô nói.

Suốt quá trình xây dựng ý tưởng cả 3 nữ sinh chưa từng gặp mặt trực tiếp do COVID-19, vị trí địa lý và lịch trình học. 

Nhóm giữ liên lạc qua mạng xã hội và làm việc trực tuyến mỗi khi cần thảo luận. 

Các thành viên nhóm ADORBSIES. Các thành viên nhóm ADORBSIES.

Trước đó, các cô gái gặp nhau tại một lớp học thêm và phát hiện có chung niềm đam mê với các vấn đề môi trường. 

Thành viên Trần Quỳnh Anh (học sinh của International School Ho Chi Minh City) cho biết họ đặt tên nhóm là "ADORBSIES", có nghĩa là những thứ dễ thương.

Quỳnh Anh giải thích, mọi người khi nhắc tới bảo vệ môi trường thường nghĩ tới những phát minh vĩ đại hoặc những điều ai cũng biết nhưng không ai làm là trồng nhiều cây. 

"Chúng em muốn chứng minh những sản phẩm be bé dễ thương cũng có thể làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của nhiều người", cô nói.

Thành viên Lương Anh Khánh Huyền (học tại Concordia International School Hanoi) nói, hiện chưa có nhiều hãng cung cấp loại sản phẩm băng vệ sinh thân thiện với môi trường, nhất là dòng tái chế. 

Bởi vậy nhóm chưa có nhiều thông tin về thị trường, gặp khó trong đánh giá tiềm năng tiêu thụ sản phẩm và tầm ảnh hưởng.

Dù vậy, họ dự định sử dụng tiền thưởng để sản xuất thử băng vệ sinh thân thiện này. 

Nhóm cũng mong muốn trích tiền để thực hiện dự án khuyến khích phụ nữ, các em gái dân tộc thiểu số dùng băng vệ sinh và vệ sinh thân thể để tránh bệnh phụ khoa. 

"Chúng em muốn thử sức bản thân và thực hiện một dự án cộng đồng có ý nghĩa để sử dụng thật tốt số tiền chúng em may mắn nhận được", Huyền nói.

Gen Z Việt lọt top 10 sáng kiến giải cứu Trái đất 

Cuộc thi The Earth Prize quy tụ hơn 650 nhóm học sinh đến từ 516 trường học trên 114 quốc gia và vùng lãnh thổ giới thiệu những ý tưởng và dự án có tiềm năng nhất để giải quyết các vấn đề môi trường là sáng kiến ​​đầu tiên của The Earth Foundation. 

Đây là năm đầu tiên giải thưởng được Earth Foundation - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, thực hiện nhằm giới thiệu những ý tưởng và dự án có tiềm năng nhất để giải quyết các vấn đề môi trường. 

Cuộc thi dành cho học sinh từ 13 đến 19 tuổi trên toàn cầu với tổng giá trị giải thưởng 200.000 USD. Giải nhất trị giá 100.000 USD sẽ trao cho đội có dự án tiềm năng nhất. 

Ba đội giải nhì sẽ được nhận 25.000 USD và 25.000 USD, còn lại sẽ được trao cho một cố vấn và một nhà giáo dục.

ADORBSIES là đại diện Việt Nam duy nhất trong 10 nhóm học sinh được ban giám khảo The Earth Prize gồm các chuyên gia nổi tiếng dưới sự chủ trì của Rina Kupferschmid-Rojas - Giám đốc Bền vững tại Fidelity Investments, lựa chọn vào vòng chung kết. 

ADORBSIES gồm 3 thành viên: Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi), Trần Quỳnh Anh (15 tuổi) và Bùi Tú Uyên (17 tuổi). ADORBSIES gồm 3 thành viên: Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi), Trần Quỳnh Anh (15 tuổi) và Bùi Tú Uyên (17 tuổi).

Giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy bền vững về môi trường của 3 nữ sinh Việt Nam tự tin sánh ngang với thí sinh từ những trường ưu tú nhất ở Vương quốc Anh và Thụy Sĩ như: 

Eton College, International School of Zug and Luzern... Với việc lọt vào vòng chung kết, ADORBSIES có cơ hội trở thành đội thắng giải The Earth Prize công bố cuối tháng 3 và nhận được giải thưởng cao nhất trị giá 100.000 USD.

Quỳnh Anh chia sẻ: "Nhóm đã nhắm tới tạo ra được sản phẩm quốc tế có thể áp dụng được ở mọi nơi và phát triển được trên quy mô rộng.”

Cả nhóm biết đây là cuộc thi tầm cỡ thế giới nên lúc nhận được kết quả cũng rất bất ngờ và hào hứng bởi công sức nghiên cứu được đền đáp. 

“Khi dự thi, chúng em không căng thẳng bởi khá tự tin vào ý tưởng nếu không tiến sâu trong cuộc thi năm nay thì nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để cải thiện ý tưởng này và dự thi năm sau".

Từng là du học sinh tại Singapore và có kinh nghiệm hướng dẫn một số đội dự thi các cuộc thi quốc tế, cô Nam Mai nhận thấy, học sinh Việt Nam siêng năng, với thế mạnh ở kiến thức toán, khoa học khá sâu, đang càng ngày càng tiến bộ, chủ động sáng tạo vượt qua những trở ngại do COVID-19, do thiếu thốn cơ sở vật chất làm thực nghiệm khoa học. 

"Có thể một vài năm trước các em hơi gặp vấn đề về ngôn ngữ nhưng hiện tại thì tiếng Anh của các em cũng rất là tốt. Với ADORBSIES, tôi thấy tiếng Anh của các em hoàn toàn như người bản ngữ" - cô nói.

Tổng hợp, nguồn: VnExpress, Báo Lao Động