Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ

Trong khi tăng trưởng GDP toàn cầu liên tục bị các tổ chức quốc tế hạ thấp, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam lại được dự báo tăng thêm đáng kể.

Chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ từ cuối quý I/2022.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực.

null
Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư sau đại dịch.

Sự phục hồi có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam được dự báo đạt lần lượt 4.2% và 5.5%.

Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát.

null
Nhiều tổ chức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Giá nhiên liệu gia tăng trong khi giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào Quý 4 năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.

null

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì cách tiếp cận linh hoạt trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trước áp lực lên cán cân thương mại hàng hóa đến từ giá cả hàng hóa gia tăng, Standard Chartered nâng dự báo đối với tỷ giá USD/VND.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ đạt 23.000 vào cuối quý 3 năm 2022 và 22.800 và cuối quý 4 năm 2022.

Standard Chartered cho rằng đồng VND sẽ tăng giá mạnh mẽ trong năm sau cùng với đà phục hồi của thặng dư tài khoản vãng lai.

Song, đừng chủ quan với diễn biến khó lường của kinh tế thế giới

Tuy có những dự báo tích cực về nền kinh tế, Standard Chartered thẳng thắn chỉ rõ, vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

null
Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.

Điều này sẽ mang đến những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn.

Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.

Môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.

Kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp.

Cùng với đó, kinh tế châu u đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại.

null
Cuộc chiến Nga - Ukraine cũng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xuất nhập khẩu Việt Nam.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Standard Chartered cũng chỉ ra 3 yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế Việt Nam:

Thứ nhất, vẫn còn những quan ngại từ yếu tố dịch bệnh mặc dù Việt Nam đã chuyển sang “Sống chung với COVID-19”.

Thứ hai, ở khía cạnh thương mại, Chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để hạ nhiệt lạm phát.

Điều này có thể làm chậm sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, làm suy giảm vốn FDI vào Việt Nam.

Thứ ba, nếu suy thoái toàn cầu diễn ra sẽ ảnh hưởng nặng nề lên các nhà xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

null
Việt Nam cần đưa ra các biện pháp giúp phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, Việt Nam cần có hỗ trợ chính sách để giúp bảo đảm phục hồi mạnh mẽ.