Dịch COVID-19 lần thứ 4 phá vỡ kế hoạch tăng trưởng được dự định
Mở đầu phần chia sẻ, bà Phương đã tổng kết lại những chỉ số chính thể hiện hai mặt tích cực và chưa tích cực của kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2021.
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt sóng dịch bệnh lần thứ 4, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3 ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 20 năm (-6,27%), đồng nghĩa với việc trong năm nay kinh tế Việt Nam khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng được đề ra từ đầu năm.
Nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng trong đại dịch
Cán cân thanh toán của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức thặng dự tích cực khoảng 9 tỉ USD, phần lớn đến từ nguồn vốn FDI giải ngân dự kiến - xấp xỉ 19-20 tỉ USD trong năm nay.
Dù ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn vốn FDI đăng ký vẫn tiếp tục tăng so với năm 2020.
Phục hồi kinh tế theo hình chữ U là mô hình phục hồi khá triển vọng nhưng lại chưa biểu hiện tích cực ở Việt Nam, cùng với đó là tâm lý tiêu dùng của người dân còn khá yếu sau dịch khiến cho chỉ số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng vẫn chưa thể về lại mức cũ trước đó.
Kịch bản “tích cực” hơn cho kinh tế vĩ mô năm 2022
Nữ diễn giả cho rằng năm 2022 sẽ “tích cực” hơn khi không có các đợt giãn cách chặt chẽ như đã từng xảy ra trong năm 2021.
“Hoạt động mở cửa sẽ cầm chừng và có thể mọi thứ sẽ bình thường trở lại vào khoảng cuối năm sau”, bà Phương chia sẻ.
Y học và điểm sáng đáng ghi nhận trong đại dịch
Điểm tích cực đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường là theo số liệu ghi nhận từ SSI, tới đầu tháng 12 năm nay, tỷ lệ phủ vaccine của Việt Nam đạt 72% - nằm trong top các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới.
Sự tăng trưởng chậm lại ở bối cảnh “bình thường mới”
Đối với các chỉ số chính của nền kinh tế trong năm sau, bà Phương đưa ra dự báo lạm phát, lãi suất và tăng trưởng GDP, đồng thời phân tích một số động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới.
Nữ diễn giả dự đoán trong hai quý đầu năm sau, lạm phát có thể sẽ tăng mạnh, tiệm cận mức 4% của chính phủ đề ra, nhưng sẽ được kiểm soát vào cuối năm về dưới 4%.
Cùng với lạm phát, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp, khi tăng sẽ không đáng kể, với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh, sau đó là thị trường chứng khoán và bất động sản.
Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm sau sẽ ở khoảng 6-6,5%, ngược lại với mức tăng trưởng ở mức thấp kỷ lục (-6,72%) trong quý 3 năm nay - đây là mức tăng trưởng được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2022.
Những động lực "đầy hứa hẹn" cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022
Mức tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và EU, các hiệp định thương mại tự do, cụ thể là RCEP và cuối cùng, là gói kích cầu kinh tế dự kiến được chính phủ Việt Nam bàn luận và thông qua vào đầu năm sau chính là động lực tăng trưởng cho kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 cũng sẽ tăng ở mức 13%, và phần lớn rơi vào cuối năm sau.
Chốt lại phần trình bày của mình, đại diện từ SSI đưa ra hai rủi ro lớn trong bức tranh kinh tế mà chúng ta phải đối mặt là nợ xấu ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Forbes Việt Nam.