Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, và Singapore là một trong những nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, đảo quốc nhỏ bé này đang nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với những thách thức toàn cầu về môi trường, xã hội.
Nỗ lực đổi mới toàn diện - dựa trên tiêu chuẩn vệ sinh, công nghệ ứng dụng và phát triển du lịch bền vững, Singapore đã và đang đạt được những tiến bộ ổn định trong một số lĩnh vực bền vững như tái chế và giảm thiểu chất thải.
Sau khi du lịch quốc tế được nối lại du khách Việt Nam khi ghé thăm Singapore, có cơ hội tận mắt khám phá những thành tựu ấy một cách hoàn toàn miễn phí.
Bãi rác 360 triệu USD
Đến bãi rác trên đảo Semakau, khách du lịch sẽ không thấy những đống rác. Hòn đảo nhân tạo này hiện ra như một khu bảo tồn thiên nhiên trong lành, dù chứa tới 9,8 triệu tấn rác thải bên dưới.
Hạ tầng trên đảo trị giá 360 triệu USD, với một bức tường bao quanh dài tới 7km dựng từ cát, đá và đất sét, để tránh rò rỉ chất thải.
Rác được đốt thành tro từ trên đất liền trước khi vận chuyển ra đảo, thêm nước và đổ vào một trong các ô chứa trước khi phủ đất lên trên, nơi cọ và những cây xanh khác tự nhiên bén rễ.
Còn khí thải ra từ lò đốt rác phải trải qua quá trình xử lý phức tạp để bảo đảm môi trường xung quanh hoàn toàn trong lành.
Thiên nhiên hoang dã là điều quý giá nhất tại Semakau, đến mức quy mô của bãi rác đã được thay đổi để đảm bảo hai khu rừng ngập mặn có thể tiếp cận được với nguồn nước ngọt khi thủy triều thay đổi.
Những loài được bảo vệ phải kể đến diệc mỏ dài và choi choi Malaysia làm tổ trên đảo, và cá heo trắng Trung Quốc quý hiếm cũng được phát hiện ngoài khơi Semakau.
Bên cạnh đó, hòn đảo cũng là bãi rác duy nhất đang hoạt động mở cửa tham quan tới 5 ngày một tuần. Học sinh từ các trường ghé thăm nơi này thậm chí còn được phép lội vào hồ thủy triều để tìm hải quỳ và sao biển.
Những cuộc đi bộ trên bãi thuỷ triều hấp dẫn đến nỗi gần như được đặt lịch kín quanh năm. Ngoài ra, hòn đảo còn là nơi thu hút giới yêu thiên văn tới ngắm sao vào ban đêm.
Khách cần đặt lịch với ban quản lý tối thiểu trước 3 tuần, miễn phí tham quan. Nơi này tiếp khách từ 12 tuổi, bắt buộc người lớn đi kèm.
Bãi chôn rác Semakau có thể tiếp đón từ 15 đến 75 khách tham quan một lượt, vào 14h30 - 16h30 các ngày trong tuần, và 10h - 12h vào cuối tuần (trừ các ngày thứ 2, thứ 6, lễ tết). Tour nhà máy đốt rác cần 25 đến 40 khách tham gia một lượt, theo khung 9h30 - 11h và 14h30 - 16h các ngày trong tuần (trừ cuối tuần và dịp lễ tết).
"Thành phố giữa thiên nhiên"
"Thành phố giữa thiên nhiên" là định hướng chung của Đảo quốc Sư tử nhằm tạo ra sự cân bằng, hòa hợp song song với phát triển cơ sở hạ tầng.
Hậu Covid-19, tính bền vững ngày càng được nhấn mạnh trong mỗi dự án du lịch của Singapore, tập trung vào yếu tố tự nhiên tại các danh thắng nổi tiếng như Jewel Changi hay Gardens by the Bay.
Đây cũng là định hướng chính trong khuôn khổ dự án phục hồi du lịch Đảo quốc hậu đại dịch mang tên SingapoReimagine (Hình dung lại, Trải nghiệm mới) của Tổng cục Du lịch Singapore.
Singapore còn đưa ra dự án cải tiến khu phát triển du lịch quận Jurong Lake với mức đầu tư đáng kinh ngạc nhằm biến nơi đây thành tổ hợp du lịch và đời sống đẳng cấp thế giới. Nếu từng trầm trồ bởi Jurong Lake Gardens, Forest Ramble, Clusia Cove thì tới Jurong Bird Park, bạn có thể sẽ choáng ngợp hơn nữa.
Nằm trong khu Mandai Precinct, Jurong Bird Park có diện tích 17ha sẽ là nơi lưu giữ bộ sưu tập các loài chim lớn nhất thế giới.
Các vườn khác nhau mô phỏng các môi trường sống khác nhau của các loài chim trên thế giới sẽ là cơ hội để du khách được "sống" giữa thiên nhiên.
Ngoài Jurong Bird Park, Khu văn hóa Mandai Precinct cũng dần được tái tạo để trở thành khu vực sinh thái đẳng cấp thế giới, với các điểm tham quan động vật hoang dã mới cũng như hàng loạt dịch vụ lưu trú thân thiện với môi trường.
Nơi tái sinh nguồn nước
Dù nổi tiếng với nền kinh tế hưng thịnh, Singapore lại thiếu một thứ thiết yếu: nước. An ninh nguồn nước từ lâu là mối ưu tiên quốc gia của Singapore.
Hy vọng thực sự của người dân Đảo quốc Sư tử đặt vào công nghệ màng lọc xử lý nước thải mang tên NEWater, do cơ quan quản lý nguồn nước PUB của Singapore khởi tạo từ những năm 1970.
PUB thành lập một đội kiểm chứng công nghệ xử lý nước vào năm 1998. Chỉ hai năm sau, cơ quan này xây dựng một nhà máy có thể sản xuất 10.000m3 nước sạch từ nước thải một ngày.
Nguồn nước tái chế chất lượng cao được đặt tên là NEWater, phải trải qua hàng trăm cuộc kiểm nghiệm để đảm bảo an toàn và bền vững. Nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2002. Một khảo sát độc lập vào năm này chỉ ra rằng 98% người phản hồi sẵn sàng uống loại nước mới này.
Một nhóm chuyên gia quốc tế về kỹ thuật, khoa học y sinh, hóa học và công nghệ xử lý nước, đánh giá NEWater luôn an toàn và chất lượng cao, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (USEPA) về nước uống.
Họ khuyến nghị sử dụng NEWater gián tiếp làm nước uống, do đó nước từ các nhà máy sẽ được đưa vào các hồ chứa nước tự nhiên. Hỗn hợp nước này trải qua quá trình tự nhiên hóa và xử lý sâu trong các hệ thống xử lý nước thông thường để tạo ra nước uống tại vòi cho người dân.
Bởi đạt đến độ siêu sạch, NEWater được dùng chủ yếu trong công nghiệp hoặc quá trình điều hòa nhiệt độ tại những nhà máy sản xuất wafer (tấm silicon mỏng để sản xuất chip bán dẫn), công xưởng, tòa nhà thương mại...
Nguồn nước này được sử dụng nhiều nhất trong các nhà máy sản xuất wafer - nơi có tiêu chuẩn nguồn nước còn khắt khe hơn cả nước uống.
Để tận mắt tìm hiểu công nghệ tái sinh nước NEWater của Singapore, du khách có thể ghé thăm NEWater Visitor Centre, một trung tâm giáo dục về khai thác nguồn nước bền vững.
Không gian này tổ chức rất nhiều hoạt động thú vị cho du khách mọi lứa tuổi, với những tour trải nghiệm tương tác và hội thảo giáo dục. Chuyến tham quan tại đây kéo dài khoảng một giờ, với hướng dẫn viên tiếng Anh.
Tuân thủ các biện pháp quản lý an toàn Covid-19, trung tâm chỉ nhận tối đa 40 khách một lượt. Các chuyến tham quan có hướng dẫn viên sẽ được thực hiện theo nhóm 5 người, do ban quản lý sắp xếp.
Theo VNExpress