Xu hướng du lịch bền vững đang phát triển mạnh
Du khách đang ngày càng chọn các loại hình thân thiện với môi trường, bên cạnh việc tìm đến các thương hiệu để có những chọn lựa bền vững và hình thức du lịch có mục đích hơn.
Đây là nội dung có trong Báo cáo Du lịch Bền vững Thường niên của Booking.com năm vừa qua.
Theo khảo sát thu thập từ hơn 30.000 du khách khắp 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng có nhiều người đi tìm các trải nghiệm văn hóa bản địa giúp củng cố và gia tăng giá trị cho các cộng đồng địa phương.
Đồng thời, họ cũng chủ động tránh các địa điểm quá phổ biến và đi chơi ngoài mùa cao điểm để tránh sự đông đúc.
Khi nhiều du khách đưa ra các quyết định dựa trên các mối quan tâm về môi trường, họ cũng quan tâm về việc họ đi bao xa và cách thức di chuyển.
Họ ưu tiên du lịch gần nhà và chọn phương tiện công cộng và thuê xe đạp lúc đến nơi để giảm dấu chân carbon.
Các đặc điểm của du lịch bền vững
Ngày nay, đối với du khách, du lịch bền vững không đơn thuần là việc tái chế và giảm rác thải.
Theo International Ecotourism Society năm 2004, du lịch bền vững có 3 hợp phần chính, đôi khi được ví như “ba chân”:
Thân thiện môi trường
Du lịch bền vững là loại hình trải nghiệm cộng đồng mà có tác động thấp đến nguồn lợi tự nhiên và khu bảo tồn biển nói riêng.
Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường (động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm …) và cố gắng có lợi cho môi trường.
Gần gũi về xã hội và văn hoá
Du lịch bền vững không gây hại đến các cấu trúc xã hội hoặc văn hoá của cộng đồng nơi mà chúng được thực hiện.
Thay vào đó, du lịch bền vững tôn trọng văn hoá và truyền thống địa phương.
Đồng thời, nó khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành tour, và quản lý chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.
Mang lại lợi ích kinh tế
Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt.
Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh.
Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn.
Một đơn vị kinh doanh du lịch mà có đủ 3 tiêu chí trên thì “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”.
Điều này có nghĩa là việc thực hiện kinh doanh du lịch trong nhiều cách có thể không phá huỷ các nguồn lợi tự nhiên, văn hoá và kinh tế, nhưng cũng khuyến khích đánh giá cao những nguồn lợi mà du lịch phụ thuộc vào.
Việc kinh doanh mà được thực hiện dựa trên 3 tiêu chí này có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hoá và mang lợi tức đến cho cộng đồng và có thể cũng sẽ thu lợi tức.
Doanh nghiệp Việt nam tích cực tham gia phát triển du lịch bền vững
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch bền vững thu hút du khách, với rất nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.
Hiện xu hướng du lịch phát triển bền vững ở Việt Nam ngày càng được chú trọng.
Điều này được thể hiện ở việc các doanh nghiệp tổ chức phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc phải đi kèm với việc tạo lợi nhuận cho cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cân bằng phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên.
Sun Group xem phát triển bền vững là nhiệm vụ sống còn
CEO Sun Group Đặng Minh Trường chia sẻ, ngay khi trở về Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Sun Group đã đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Ông chia sẻ:
“Sự bền vững của ngành du lịch Việt Nam cũng là sự sống còn của những doanh nghiệp như Sun Group.”
Theo chia sẻ của ông Trường, ý thức rõ tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững và bám sát những nguyên tắc nói trên.
Sun Group đã luôn đề cao triết lý về sự hài hòa nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng địa phương, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, tôn trọng các giá trị của thiên nhiên và con người, thể hiện trong mỗi dự án, mỗi công trình trải dọc đất nước.
Chẳng hạn như với dự án InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, ngay từ khâu thiết kế, tập đoàn đã mời bằng được kiến trúc sư Bill Bensley không chỉ bởi ông là kiến trúc sư tài ba mà còn vì ông rất tôn trọng những giá trị tự nhiên.
Tại khu nghỉ dưỡng này, những giá trị kiến trúc truyền thống cũng như văn hóa Việt được tận dụng tối đa, để tạo nên sự độc đáo trong thiết kế, sự hài hòa với môi trường cảnh quan của Sơn Trà” – ông Trường cho hay.
VGreen kết nối các công ty du lịch hướng tới phát triển bền vững
Năm qua, Hội lữ hành Hà Nội đã thành lập Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen trực thuộc Hội.
Hoạt động chính của CLB tập trung vào xây dựng, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, dựa trên các trụ cột môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế.
Các công ty thuộc Vgreen sẽ triển khai kinh doanh lữ hành và du lịch đáp ứng các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững; bao gồm:
Hiệu quả kinh tế; phát triển cho địa phương; đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo vệ tự nhiên; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; an sinh xã hội; công bằng xã hội; nâng cao vai trò chức năng của các tổ chức du lịch, hiệp hội du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội cho biết:
“Trước mắt, CLB Vgreen tập trung xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên địa bàn Thủ đô.”
Ông cho biết thêm:
"CLB đã phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, bắt đầu những câu chuyện về lịch sử và phối hợp với Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam để hoàn thiện chương trình du lịch về các giá trị lịch sử.”