null

Hiểu đủ về vật liệu xanh

Vài năm gần đây, từ khóa “vật liệu xanh” đã dần phổ biến trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam. Từ cửa hàng bình dân đến các đại lý cấp lớn, từ nhà thầu xây dựng nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, thế nào là một vật liệu xanh đúng nghĩa thì không phải ai cũng hiểu đúng nghĩa. Thậm chí, có không ít người cho rằng, vật liệu cứ có bề ngoài màu xanh thì được gọi là “vật liệu xanh”.

Trên thực tế, vật liệu xây dựng xanh chính là những vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, thi công, sử dụng và cả khi phá dỡ công trình.

Cụ thể, vật liệu xây dựng xanh phải đảm bảo các điều kiện: không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng.

Vật liệu xanh trong các công trình đem tới lợi ích to lớn cho cộng đồng xã hội, mang tính bền vững lâu dài. Đồng thời cũng trở thành “giải pháp nhân văn” cho các công trình xây dựng.

Trụ sở UBND tỉnh Cà Mau sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera. Trụ sở UBND tỉnh Cà Mau sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera.

Hiện nay, xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường không chỉ được các kiến trúc sư, nhà thầu, chủ đầu tư quan tâm mà còn nhận được sự khuyến khích của Nhà nước, Bộ Xây dựng và nhận thức thấu đáo hơn từ người tiêu dùng thông thái.

Nói như ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, nhờ việc sử dụng vật liệu xanh, các công trình xanh đem lại những giá trị to lớn cho nhà đầu tư, người sử dụng và cả môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội.

Khi một công trình đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, trong đó có sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, các cư dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích như: tăng 3 - 5% năng suất lao động; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.

Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị, giúp giảm thiểu tác động xã hội. Tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.

Các dòng sơn sinh thái sản xuất hiện nay có khả năng hấp thụ được CO2. Các dòng sơn sinh thái sản xuất hiện nay có khả năng hấp thụ được CO2.

Vật liệu của tương lai

Theo các chuyên gia, các công trình xây dựng trên thế giới tiêu thụ khoảng 17% lượng nước sạch, 25% khối lượng gỗ từ rừng, gây ra 35% tổng lượng phát thải carbon trong quá trình xây dựng và vận hành.

Ngoài ra, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường qua việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khâu xử lý và sản xuất các vật liệu thành phẩm.

Những loại vật liệu xây dựng phổ biến như xi măng, thép, kính … cũng tiêu thụ rất nhiều năng lượng và tác động không nhỏ đến môi trường.

Theo thống kê, để sản xuất được khoảng một tỉ viên gạch nung bằng đất sét sẽ phải tiêu tốn khoảng hơn 70 ha đất sét, hay đất nông nghiệp và lượng khí CO2 thải ra trong quá trình khai thác, sản xuất gạch lên tới gần 20 triệu tấn khí.
Hơn nữa, chưa kể đến sau khi công trình bị dỡ bỏ gạch nung hầu như không sử dụng tái chế lại được mà còn rất khó phân hủy, khi phân hủy gây hại cho đất và môi trường. Như vậy, có thể thấy rằng với việc sử dụng vật liệu truyền thống là gạch nung không chỉ rất gây hại cho môi trường sống của con người mà còn làm mất nguồn đất sử dụng trong nông nghiệp, gây xói mòn đất,…

Vì vậy, xu hướng phổ biến đã và đang được ngành xây dựng trên thế giới và trong nước lựa chọn là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng nguyên liệu mới, công nghệ mới…

Với việc sử dụng vật liệu xanh trong các công trình mang đến rất nhiều lợi ích như: tiêu tốn ít tài nguyên sản xuất hơn, có thể sử dụng tái chế giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội,… quan trọng hơn cả góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Tổng hợp