Gen Z trước thách thức "làm chủ" công nghệ tương lai
Công nghệ thông tin bùng nổ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập đã gần như xóa nhòa tất cả mọi ranh giới.
Thế hệ trẻ, tiêu biểu là Gen Z đã có lợi thế được tiếp cận các thành tựu của công nghệ thông tin từ sớm.
Họ đã nhanh chóng phát triển khả năng thu thập và nắm bắt thông tin một cách chủ động, vượt xa các thế hệ trước.
Tuy nhiên, đi đôi với ưu thế tiếp cận thông tin dễ dàng, thế hệ trẻ dường như đang "quá tải" trước khối lượng thông tin vô cùng lớn và liên tục được cập nhật.
Kết quả từ Khảo sát mức độ sẵn sàng kỹ năng số từ PwC Việt Nam cho thấy, Gen Z là nhóm tỏ ra lo lắng nhất trong số các thế hệ lao động.
Điều này không khó hiểu bởi Gen Z Việt phải đối mặt với khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn do gia nhập lực lượng lao động trong thời điểm công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Mặc dù giới trẻ có thể quen thuộc với công nghệ song nhiều người vẫn chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật, tự động hóa hay các kỹ năng mềm cần thiết để phát triển bản thân trong thời đại mới.
Nỗ lực theo kịp yêu cầu không ngừng tăng lên của những công việc tạo ra từ nền kinh tế số mới, đòi hỏi ở người trẻ khả năng chắt lọc và thấu hiểu sâu.
Để đạt được khả năng "làm chủ" kiến thức, làm chủ công nghệ, sự tiếp nhận thông tin là chưa đủ với thế hệ trẻ.
Họ cần được đào tạo chuyên sâu bởi những chương trình chuẩn quốc tế, thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới nhất về công nghệ, đi kèm tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn xã hội.
Cơ hội nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng lớn
Cách mạng 4.0 đã tạo ra thế hệ "những người bản địa số" chủ động tiếp nhận và trau dồi kiến thức.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng cho các công việc liên quan đến công nghệ và máy tính dự kiến sẽ tăng 12% từ năm 2014 đến năm 2024.
488.500 việc làm mới sẽ được bổ sung thêm, nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình cho tất cả ngành nghề khác.
Vì vậy trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực giúp thực hiện và triển khai công nghệ mới này là rất lớn.
Hiện tại, số lượng dự án, việc làm về các mảng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data đang tăng lên rất nhanh và có mức lương khởi điểm cao hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác.
Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực IoT nói riêng trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở trước mắt các kỹ sư tương lai khi thời gian vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển rất lớn.
Các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin trong nước và quốc tế đã đầu tư trong lĩnh vực này như:
Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, Samsung, Intel, Microsoft, IBM, Google…
Các chương trình nuôi dưỡng và phát triển nhân tài công nghệ bài bản
Với lợi thế tiên phong về công nghệ cùng tầm nhìn "Together for Tomorrow – Enabling People" – Cùng bạn Kiến tạo tương lai, Samsung đã triển khai nhiều dự án đào tạo nhằm bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Trong đó, Samsung Innovation Campus được xem là dự án tiêu biểu.
Cụ thể, chương trình sẽ mang đến 3 khóa học phát triển năng lực công nghệ dành cho thanh thiếu niên 14-24 tuổi, bao gồm:
Khóa học Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và 1 khóa học Kỹ năng Lập trình cơ bản (Coding & Programming - C&P).
Ngoài ra, DataStax, công ty quản lý dữ liệu thời gian thực, đã hợp tác với Swinburne Việt Nam để phát triển các chương trình giảng dạy, đào tạo và cấp chứng chỉ về dữ liệu và công nghệ thông tin – truyền thông.
Sự hợp tác này nhằm mục đích nâng cao hệ sinh thái AI và Big Data, đồng thời nâng cao kỹ năng và khả năng làm việc của lực lượng lao động trong tương lai.
Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng (MIT) cũng cung cấp khóa học trực tuyến miễn phí về Trí tuệ nhân tạo.
Học sinh đạt được kiến thức cơ bản về cách trình bày, giải quyết vấn đề và học tập của AI.
Các học viên sẽ có thể “phát triển các hệ thống thông minh bằng cách lắp ráp các giải pháp cho các vấn đề tính toán cụ thể” vào cuối khóa học.
Lời kết
Như vậy, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, giới trẻ phải nhanh chóng thích ứng để bắt kịp sự thay đổi.
Tuy đối mặt với không ít thách thức, song với lợi thế tư duy nhanh và sự sẵn có của các chương trình đào tạo, thế hệ trẻ đứng trước cơ hội trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.