Bộ Tài nguyên và Môi Trường đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo
Top 15 quốc gia có tiềm năng năng lượng gió biển tốt nhất thế giới
Theo tính toán, đánh giá tiềm năng kỹ thuật (dựa trên công nghệ tuabin trụ cố định và trụ nổi hiện có) của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vùng biển Việt Nam có tiềm năng tổng là gần 950 GW.
Trong đó vùng biển có độ sâu 0-30 m có công suất khoảng 200 GW, vùng biển có độ sâu 30-60 m có tiềm năng 280 GW, vùng biển có độ sâu 60-1000 m có tiềm năng 470 GW.
Nếu được khai thác lắp đặt đầy đủ thì công suất hàng năm có thể thu được 4160 TWh/năm, gấp 20 lần nhu cầu điện sử dụng hiện nay của Việt Nam (khoảng 200 TWh/năm).
Với tiềm năng kỹ thuật hiện nay Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió biển tốt nhất thế giới.
Các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.
Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600 đến trên 700 W/m2.
Top 10 quốc gia có năng lượng sóng biển tốt nhất thế giới
Theo đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, vùng biển ven bờ Việt Nam với công nghệ tuabin điện sóng hiện có thì hàng năm có thể xuất được 230 TWh/năm, tương đương với số công suất điện đang dùng hiện nay tại Việt Nam.
Cũng theo phương pháp đánh giá năng lượng sóng ven biển và so sánh với các quốc gia ven biển thì Việt Nam có thể nằm trong nhóm 10 nước có năng lượng sóng biển tốt nhất thế giới.
Một số dạng năng lượng tái tạo khác có tiềm năng lớn tại Việt Nam
Việt Nam còn có một số dạng năng lượng tái tạo biển khác có tiềm năng lớn như:
- Năng lượng dòng chảy, năng lượng nhiệt, bức xạ mặt trời, sinh khối rất có tiềm năng vùng biển Trung bộ và khu vực biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Năng lượng thủy triều có ở phía Bắc Vịnh Bắc bộ và vùng cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long.
- Năng lượng gradient muối tại các cửa sông…
Đọc thêm: Phát triển tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Phát triển tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Việc khai thác năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngoại nhập và đảm bảo an ninh năng lượng.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng.
Trong đó có Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050; Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam…
5 mục tiêu hướng tới phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam
- Thứ nhất: Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Thứ hai: Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.
- Thứ ba: Tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất.
- Thứ tư: Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.
- Thứ năm: Tăng diện tích hấp thụ của các hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cần chính sách phù hợp
Chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Khi đưa ra chính sách về mục tiêu năng lượng tái tạo là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được.
Mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn năng lượng tái tạo dự báo trong tương lai thấp.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng.Cùng với đó, các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng “0” và giảm ô nhiễm không khí cần trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng.
Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm:
Các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, đầu tư phát triển hạ tầng
Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo, việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu là cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng, lưu trữ carbon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để tối đa hóa lợi ích của việc sản xuất năng lượng gió và mặt trời; đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch như phương tiện giao thông chạy điện như ô tô điện, xe máy điện.
Tổ chức điều tra, nghiên cứu đánh giá để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi
Để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022 đã đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới bao gồm:
- Tổ chức điều tra, khảo sát, quan trắc bổ sung điều kiện tự nhiên các vùng biển.
- Ứng dụng công nghệ mô hình số trị trong việc tái mô phỏng và đánh giá tiềm năng năng lượng gió chi tiết theo không gian.
- Giám sát, dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo.
- Nghiên cứu, đánh giá, dự báo chi tiết tác động thiên tai, môi trường biển tới khả năng xây dựng và khai thác của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi.
- Nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tác động của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng
Năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo.
Đặc biệt là những nhóm hoặc cộng đồng chịu ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải được hỗ trợ về sinh kế, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp.
Cần thúc đẩy hợp tác trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Cuối cùng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng của châu lục, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí trong khu vực để góp phần lan tỏa thông điệp về tính cấp bách của việc chuyển đổi năng lượng; giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội do phát triển năng lượng tái tạo mang lại.