Theo Điện lực Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.200 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất hơn 80 MWp.
Tổng sản lượng phát lên lưới là 25 triệu kWh.
Riêng 9 tháng của năm 2020, Đồng Nai có gần 1.800 khách hàng lắp đặt, tổng công suất lắp đặt là hơn 54 MWp. Hiện có gần 1.000 công trình điện mặt trời đăng ký phát lên lưới.
Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, chủ đầu tư lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống lưới điện mặt trời trong năm nay hưởng giá ưu đãi; Điện lực Đồng Nai đang tăng cường nhân sự ký hợp đồng và lắp đặt công tơ 2 chiều, giảm thời gian thẩm định hồ sơ kỹ thuật còn 3 ngày.
Mặt khác, ngành điện hoàn thành nhiều công trình hạ tầng, đảm bảo phát điện mặt trời lên lưới, thanh toán tiền điện qua tài khoản cho khách hàng.
Việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà không chỉ giảm chi phí tiền điện hàng tháng, giảm độ nóng cho mái nhà, mà còn đem lại nguồn thu cho khách hàng.
Ngành điện khuyến cáo khách hàng, khi thay các tấm pin năng lượng mặt trời, phải xử lý theo đúng hướng dẫn xử lý rác thải công nghệ để giảm thiểu sự tác động đến môi trường.
Không chỉ các cá nhân có nhu cầu lắp điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp cũng đang "hứng thú" với điện mặt trời.
Nhiều chương trình ưu đãi dành cho các doanh nghiệp công nghiệp lắp đặt điện mặt trời đã được một số ngân hàng triển khai.
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình, chủ đầu tư lắp đặt công trình điện mặt trời công suất không quá 1MW (hoặc không quá 1,2MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống hết ngày 31/12/2020 sẽ được hưởng mức giá cố định khoảng 1.940 đồng/kWh (tương đương 8,38 UScents/kWh) trong suốt 20 năm.
Đây được xem là "cú hích" tạo đà cho điện mặt trời mái nhà phát triển,…
Mặc dù đối với doanh nghiệp đang có nhiều ưu đãi và lối mở; nhưng để thực hiện được đơn giản như đối với các cá nhân thì vẫn cần thời gian.
Và hiện nay mọi thứ vẫn tiếp tục đang được gỡ vướng, để đi đến bước hoàn thiện hơn.
Anh Thái Danh Cầm, người chuyên thi công điện mặt trời cho các hộ cá nhân cho biết, thời gian qua, các đơn hàng lắp đặt điện mặt trời khá nhiều.
Bởi khi lắp đặt hệ thống này thì ngoài sử dụng cho gia đình thì có thể bán lại cho điện lực để lấy tiền và cũng được trả với chi phí cao.
Không bao lâu người dân sẽ thu hồi vốn lắp đặt ban đầu đối với toàn bộ hệ thống điện mặt trời.
Bà Nguyễn Thị Hương, ngụ TP.Biên Hoà cho biết, qua tìm hiểu trên Internet, bà đã quyết định lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà của gia đình.
Sau đó bà được cán bộ điện lực hướng dẫn tận tình để tiến hành bán điện và đấu nối điện phù hợp, đúng quy trình.
Hiện tại mỗi tháng gia đình bà không còn phải mất khoảng 1 - 1.5 triệu tiền điện như trước đây nữa, mà còn thu về khoảng 800.000 đồng mỗi tháng.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, điện mặt trời là nguồn năng lượng "sạch", thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt.
Việc phát triển điện mặt trời đem lại lợp ích kép về kinh tế, năng lượng và môi trường.
Do đó, ngành điện đang nỗ lực tuyên truyền người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời.
Phía điện lực Đồng Nai cũng sẵn sàng tiếp nhận nguồn năng lượng điện mặt trời từ các khách hàng, xây dựng phương án thanh toán tiền linh hoạt.
"Quy định giữ nguyên giá mua bán điện trong suốt 20 năm đối với khách hàng lắp đặt và vận hành điện mặt trời trong năm 2020, cũng tác động tích cực đến phát triển điện mặt trời. Điều này sẽ góp phần làm giảm đáng kể áp lực cho ngành điện", đại diện ngành điện tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.