Với phiên bản "thông minh" hơn, phát minh này giúp các nhà quản lý có thể kiểm soát được dữ liệu về số gạo được phát cũng như tránh trường hợp một người nhận gạo nhiều lần.
ATM gạo - "Vị cứu tinh" thân thuộc
Hẳn người Việt Nam không ai là không biết tới chiếc "ATM gạo" của anh Hoàng Anh Tuấn nhằm hỗ trợ những người dân nghèo có thể trang trải cuộc sống, có cơm miễn phí để vượt qua khó khăn.
Năm 2020 là một năm đầy biến động và vô vàn thách thức khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đương đầu với đại dịch Covid-19. Nền kinh tế lao đao, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, người người lo lắng vì gánh nặng cuộc sống thêm chồng chất.
Đáng thương hơn là những người có hoàn cảnh khó khăn thậm chí không thể trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, đặc biệt là vấn đề sức khỏe và thực phẩm, khiến họ đối mặt nguy cơ nhiễm virus cao.
Giữa tình cảnh mỗi người đều có những mối lo riêng, anh Tuấn vấn nghĩ đến những người cần sự giúp đỡ của xã hội, tận dụng những nguyên liệu có sẵn từ công ty để sáng chế ra chiếc máy phát gạo tự động.
Người dân quận Tân Phú thực hiện đúng quy định giãn cách khi đến nhận gạo.
Với điểm hoạt động đầu tiên ở quận Tân Phú, TP.HCM, cây "ATM" này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phân phát gạo miễn phí cho hàng trăm người dân khó khăn ở đây. Họ vẫn tuân thủ quy định giãn cách của chính phủ và vui vẻ chờ đến lượt mình, không hề có cảnh tượng chen lấn xô đẩy.
Mỗi người đến lấy gạo được phát một túi nylon sạch sẽ, hứng vào ống và nhấn nút. Chỉ một thời gian ngắn, 1,5kg gạo đã được đưa đến tay. "Máy rút gạo" của anh Tuấn không chỉ phát những hạt gạo nghĩa tình mà còn phát cả những nụ cười rạng rỡ đã lâu không xuất hiện trên những gương mặt khốn khổ.
Từ đây, anh Tuấn - Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM - đã lan tỏa yêu thương đến khắp mọi nơi trên đất nước, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ của một loạt những chiếc "ATM" tương tự được ra đời. Có thể kể đến "ATM gạo" ở thành phố Hải Phòng, hay ở tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang...
Sự phát triển qua một năm
Nối tiếp nghĩa cử đó, một nhóm kỹ sư Việt đã tạo ra một phiên bản cải tiến của chiếc ATM nhằm cung cấp gạo miễn phí cho người dân, hơn nữa còn có thể quản lý được thông tin ủng hộ gạo trên website.
Họ là những kỹ sư thuộc công ty công nghệ Axys ở TP.HCM phát triển sản phẩm máy ATM gạo, hiện đã lắp đặt 2 điểm tại giáo xứ Bình Thuận, số 722 Tân Kỳ Tân Qúy, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và số 12A Núi Thành (quận Tân Bình).
Theo kế hoạch nhóm sẽ lắp đặt ATM gạo các vị trí khác ở Hóc Môn, TP Thủ Đức... với mục tiêu lắp đặt 50 - 100 máy khắp thành phố để giúp đỡ người nghèo.
Khác với phiên bản của anh Tuấn, ATM này ứng dụng công nghệ AI và điện toán đám mây.
Một trong hai chiếc "ATM gạo thông minh" đầu tiên được đặt tại khuôn viên giáo xứ Bình Thuận, quận Bình Tân.
Theo ông Lê Hải Bình, trưởng nhóm dự án, toàn bộ kỹ thuật thiết kế về cơ khí và công nghệ nhóm chia sẻ rộng rãi để bất kỳ nhà hảo tâm, mạnh thường quân nào cũng có thể làm được máy ATM gạo thông thường với chi phí khoảng 5 triệu đồng.
Sử dụng công nghệ AI, máy có thể nhận diện khuôn mặt để tránh tình trạng một người đến nhận gạo nhiều lần, trong nhiều ngày khiến những người nghèo khác sẽ không có cơ hội nhận.
Ở những khu vực người quản lý có danh sách, hay phiếu nhận gạo của người dân thì hoàn toàn có thể sử dụng máy ATM gạo thông thường.
"Công nghệ này có thể giải quyết tình trạng cả trăm người xếp hàng nhận gạo trong đó có nhiều người nhận nhiều lần. Ngoài ra, máy được cài đặt để mỗi người chỉ nhận được 3kg gạo một lần trong 7 ngày giúp giảm tình trạng xếp hàng dài, không đảm bảo an toàn phòng dịch", ông Bình nói.
Công nghệ điện toán đám mây (Cloud) giúp người quản lý lưu trữ thông tin người nhận gạo và nếu họ đi nhiều máy ATM cũng không thể nhận nhiều lần. Công nghệ này cũng giúp người ủng hộ có thể theo dõi hiện trạng cấp phát gạo trên website giúp minh bạch thông tin cho người đóng góp.
ATM gạo có thiết kế hình hộp dài 0.9 m, rộng 0.8 m, cao 1 m làm bằng sắt, có bánh xe di chuyển. Thùng đựng gạo dung tích 500 lít làm bằng inox. Van gạo điều khiển điện đường kính 60 mm để đóng mở cửa nhận gạo, một đầu van ở đáy thùng và một đầu nối với ống dẫn gạo cấp ra ngoài.
Timer (rơle thời gian) điều khiển có nhiệm vụ mở van gạo trong một thời gian và khối lượng gạo được cài đặt sẵn trước đó.
Để ATM gạo trở nên thông minh với khả năng nhận diện khuôn mặt, cần có một bộ máy tính trang bị webcam. Nhóm dự án sẽ cung cấp miễn phí phần mềm điều khiển giúp nhận diện khuôn mặt và quản lý thông tin số lượng gạo bằng cloud.
Biểu đồ số liệu về lượng gạo được phát trên website. (Ảnh: Vnexpress).
Người đeo khẩu trang, máy có thể nhận diện chính xác khoảng 95%; người không đeo khẩu trang hoặc đeo kính chắn giọt bắn máy có thể nhận diện chính xác đến 99%. ATM thông minh tích hợp đầy đủ tính năng sẽ tốn thêm khoảng 9 triệu đồng chi phí, tổng cộng 14 triệu đồng.
Người nhận gạo không cần bấm nút hay thao tác, chỉ cần đến trước máy và chờ gạo chảy ra túi trong khoảng thời gian 1 phút mỗi người. Mỗi ngày trong 8 tiếng rưỡi, máy có thể phát cho hơn 500 người, mỗi người 3 kg gạo cần khoảng 1,5 tấn gạo.
Hiện, dự án có khoảng hơn 20 tấn gạo, khoảng 600 – 700 triệu đồng tiền mặt do các nhà hảo tâm ủng hộ tương ứng với khoảng 60 – 70 tấn gạo. Số tiền này sẽ tiếp tục tăng khi dự án được lan tỏa để giúp đỡ nhiều người nghèo hơn.
Tổng hợp.