Cotton hữu cơ, linen hay các loại vải sợi tự nhiên từ lâu đều đã vô cùng quen thuộc với chúng ta.
Dù vậy khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến sự bền vững, hàng loạt chất liệu xanh mới và được cải tiến đã ra đời. Sự xuất hiện của chất liệu xanh này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp thời trang ít tàn nhẫn.
Lông thực vật (KOBA)- bước tiến mới cho trang phục lông thú
Từ lâu nay, những người đi theo xu hướng thời trang bền vững luôn truyền tai nhau tránh xa những chiếc áo lông xù bởi quá trình tàn nhẫn của nó.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2020 là thời gian họ mong chờ bấy lâu nay khi các quốc gia Pháp, Ba Lan và Hà Lan ban bố lệnh cấm nuôi thú cưng lấy lông.
Trước đây, lông nhân tạo (faux tur) từng là giải pháp thay thế ít tàn nhẫn hơn so với lông động vật. Tuy nhiên lông KOBA được sản xuất bằng rơm bắp theo công nghệ nhiên liệu sinh học mới là chất liệu tối ưu hơn cả.
Lông KOBA có ảnh hưởng khá tích cực lên môi trường khi sử dụng tí năng lượng hơn khoảng 30% và thải ít khí nhà kính hơn 63% so với sản xuất lông thú giả truyền thống.
Nhờ ưu điểm vượt trội đó, lông KOBA đã giành chiến thắng PETA Fashion Adwards 2019 (Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật) và được Stella McCartney, nhà mốt thuần chay tiên phong ưu ái sử dụng trong những dòng sản phẩm cao cấp.
Xu hướng này giúp các thương hiệu thỏa sức sáng tạo thiết kế và thậm chí là có thể thay đổi định kiến của người tiêu dùng về những chiếc áo lông thú xa xỉ.
Hàng loạt chất liệu phân hủy sinh học được ra đời thay thế da thật
Item không thể thiếu trong mỗi tủ đồ của hầu hết người yêu thời trang là những bộ quần áo làm từ da. Vì vậy, việc gạt bỏ sản phẩm da ra khỏi các ý tưởng thiết kế là gần như bất khả thi.
Nhưng khi sự quan tâm của khách hàng trẻ tới giá trị bền vững tăng cao thì việc nói "không" với da động vật là cách giúp thương hiệu nâng cao hình ảnh trong mắt khách hàng.
Hai thương hiệu lớn là Parada hay Chanell vào năm 2018 đã cam kết không sử dụng các loại da động vật cho sản phẩm của mình. Hành động "xanh" đã tạo ra một hiệu ứng domino khi các nhãn hàng khác cũng lần lượt dùng chất liệu "xanh".
Trước nhu cầu lớn cho việc thay thế chất liệu da thật, thậm chí thay thế cả nhựa PU và PVC, rất nhiều sáng kiến cho các loại da giả từ thực vật có khả năng phân hủy sinh học đã ra đời.
Da xương rồng (Cactus leather)
Loại da thuần chay làm từ lá xương rồng Nopal với cái tên Desserto được sáng tạo nên bởi hai doanh nhân người Mexico- Adrian Lopez và Marte Cazarez. Đó là kết quả của một quá trình dài làm việc trong lĩnh vực nội thất và thấu hiểu được tình trạng ngược đãi động vật để làm ra các sản phẩm da.
Đặc tính của loài da này tương tự da thật nhưng bền bỉ, linh hoạt và thoát khí hơn, Nopal dễ sản xuất và thu hoạch nhờ được làm từ loại cây sống kiên cường, không cần thuốc trừ sâu và ít sử dụng nước. Da xương rồng cũng đảm bảo tính lâu dài cho các sản phẩm, thương hiệu nói riêng và ngành thời trang nói chung.
Trong năm nay, H&M xác nhận sẽ sử dụng chất liệu "giả" da xương rồng trong nhiều bộ sưu tập vào thời gian sắp tới cùng với những chất liệu có khả năng phân hủy khác.
Da lá dứa (Piñatex)
Chắc hẳn nhiều người sẽ không ngờ tới khi lá dứa vốn không được sử dụng nhiều trong công nghiệp tái chế giờ đây lại có thể trở thành chất liệu may mặc bền, thoáng, nhẹ mà không tốn nhiều công sức và tài nguyên.
Tiến sĩ Carmen Hijosa trong suốt quá trình nghiên cứu và tìm tòi đã luôn suy nghĩ để tìm ra giải pháp "xanh" hơn, để từ đó chất liệu da từ lá dứa mang tên Piñatex ra đời, tạo nên cơn sốt thời trang vào năm 2018.
Hugo Boss cũng hưởng ứng phát minh này khi cho ra mắt bộ sưu tập giày với khả năng phân hủy sinh học, đi kèm với packaging hộp từ sợi tái chế.
Giả da làm từ nấm (Mylo)
Mylo là phát minh đến từ công ty MycoWorks và Ecovative Design được làm từ sợi nấm có tính chất giống hệt các loại da thông thường. Rễ nấm được tận dụng để làm ra loại da này và quá quá trình lên men độc đáo để tạo nên một cấu trúc dày đặc, bền bỉ và cứng cáp.
3 năm trở lại đây, Hermes đã hợp tác với MycoWorks để ứng dụng loại da Mylo này trên chính những sản phẩm của mình như chiếc túi Victoria. Tháng 10/2020, Adidas, Stella McCartney và công ty mẹ của Gucci- Kering cũng rót một số tiền lớn cho Bolt Threads- công ty chế tạo Mylo để hoàn thiện và ra mắt công chúng sản phẩm mới từ da giả bằng nấm vào năm nay.
Có thể chắc chắn rằng Mylo sẽ còn được ưa chuộng, phổ biến rộng rãi hơn nữa khi công nghệ này được thực hiện ở mọi nơi, tối ưu xử lý chất thải mà không cần quá nhiều thiết bị hay nguồn lực phức tạp.
Len thuần chay (Vegan wool)
Những loại len như len cừu, cashmere, alpaca và angora tuy phổ biến trong ngành may mặc nhưng đều có nguồn gốc từ động vật. Tương tự da thuộc, chất liệu len cũng dần được chú ý hơn nhằm tạo ra giải pháp mới từ thực vật.
FABORG, công ty đến từ Ấn Độ đã tạo nên một loại len nhẹ và mềm từ bông hữu cơ có tên Weganool. Chất liệu này cũng vừa giành giải thưởng PETA Fashion Awards 2020, mở màn cho ứng dụng của chất liệu này trong thời gian tới.
Lụa tre (Bamboo Silk)
Ít ai biết được rằng chỉ một kg tơ lụa cũng cần phải tới 6600 con tằm bị luộc sống ngay tại kén, gây ra hậu quả khôn lường về mặt tài nguyên.
Và một giải pháp "xanh" ra đời đã chiếm được thiện cảm của nhiều nhà thiết kế, đó là loại lụa từ tre với độ mượt mà và mềm mại tự nhiên. Lụa tre không đến từ nguồn gốc động vật cũng không cần đến phân bón hóa học nên lụa tre rất thân thiện với môi trường.
Theo Advertising Vietnam