1. Ninh Thuận với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia

Tại Việt Nam, Ninh Thuận là địa phương có định hướng chiến lược phát triển một nền kinh tế xanh, sạch, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng như điện khí để trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhờ phát triển năng lượng tái tạo đã tạo đột phá và vị thế mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ninh-Thuận-định-hướng-chiến-lược-phát-triển-để-trở-thành-một-trong-những-trung-tâm-năng-lượng-tái-tạo-của-cả-nước.
Ninh Thuận định hướng chiến lược phát triển để trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 2874/KH-UBND về việc hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành của từng ngành, địa phương, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, bảo đảm phát triển năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đầu tư đồng bộ với hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án năng lượng với tổng công suất 3.176,5 MW hòa lưới điện quốc gia, đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các dự án năng lượng đã phát huy hiệu quả và nâng cao giá trị sử dụng đất; làm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Các dự án năng lượng tái tạo cũng đóng góp tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cũng là một trong ba trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp) đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.

2. Sóc Trăng công bố 5 dự án điện gió ngoài khơi, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2022 mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này vừa công bố có 5 dự án điện gió ngoài khơi, với quy mô công suất từ 200 - 1.000 MW.

Sở-Kế-hoạch-và-Đầu-tư-Sóc-Trăng-vừa-công-bố-có-5-dự-án-điện-gió-ngoài-khơi.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng vừa công bố có 5 dự án điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, 5 dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư là:

1. Dự án điện gió ngoài khơi Cù Lao Dung, quy mô 500 MW, tại khu vực biển Cù Lao Dung.
2. Dự án điện gió ngoài khơi xã Vĩnh Tân, công suất 200 MW, tại khu vực biển xã Vĩnh Tân, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu.
3. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải, công suất 800 MW tại khu vực biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu.
4. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Châu 1, quy mô 260 MW, tại khu vực biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu.
5. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Châu 2, quy mô 1.000 MW tại khu vực biển phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng:

Tỉnh này sẽ áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm).

Trường hợp đầu tư mới đáp ứng tiêu chí dự án xã hội hóa thì được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động dự án.

Thời gian miễn, giảm: Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp còn được ưu đãi tiền thuê đất: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê.

Cùng với đó là ưu đãi về thuế nhập khẩu: Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Miễn thuế trong thời hạn 5 năm (kể từ khi bắt đầu sản xuất) đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để sản xuất.

UBND tỉnh Sóc Trăng cũng phối hợp với Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu và Công ty TNHH điện gió Quốc Vinh tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy điện gió số 5 và Nhà máy điện gió số 6.

3. Bình Định tạo điều kiện với dự án điện gió ngoài khơi tại Hòn Trâu của PNE

Tập đoàn PNE đã trao hồ sơ đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bình Định về dự án điện gió ngoài khơi dự kiến được triển khai tại Bình Định trong thời gian tới.

Đại-diện-Tập-đoàn-PNE-CHLB-Đức-trao-hồ-sơ-đề-xuất-dự-án-điện-gió-ngoài-khơi-cho-lãnh-đạo-UBND-tỉnh-Bình-Định.
Đại diện Tập đoàn PNE (CHLB Đức) trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi cho lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 4,8 tỷ USD, mục tiêu xây dựng từ 154 đến 166 tuabin gió với tổng công suất lên đến 2.000 MW.

Dự kiến các tuabin gió sẽ được đặt tại một số đảo và vùng biển thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ, với tên gọi “Hòn Trâu 1,2,3” theo 3 giai đoạn triển khai của dự án.

Dự án được kỳ vọng sẽ không chỉ giúp tăng sản lượng điện khai thác của tỉnh Bình Định, mà còn góp phần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, đầu tư vào chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh:

"Trong những năm gần đây, Bình Định đã rất thành công trong việc phát triển du lịch, dịch vụ cảng và Logistics, với dự án điện gió ngoài khơi này, tỉnh hy vọng sẽ là cú huých để ngành công nghiệp - một trong 5 trụ cột tăng trưởng của Bình Định phát triển hơn nữa trong thời gian tới."

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chia sẻ:

"Bình Định có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, trên thực tế, tại Bình Định đã và đang có nhiều dự án được triển khai đầu tư và hoạt động hiệu quả.

Đối với dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu, tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn PNE sớm triển khai dự án tại Bình Định."

4. Cà Mau phát triển dự án điện gió đầu tiên trên biển

Sáng 24/4/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) đã tổ chức Lễ khánh thành dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) tại khu vực dự án tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Lễ-khánh-thành-Nhà-máy-điện-gió-Tân-Thuận-giai-đoạn-1-và-giai-đoạn-2.
Lễ khánh thành Nhà máy điện gió Tân Thuận (giai đoạn 1 và giai đoạn 2).

Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) có tổng công suất 75 MW với quy mô gồm 18 trụ tuabin gió, do Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau làm chủ đầu tư.

Dự án này đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch theo QĐ số 1402/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 và phê duyệt bổ sung quy hoạch theo QĐ số 4940/QĐ-BCT ngày 27/12/2018.

Đây là dự án điện gió trên biển đầu tiên thuộc tỉnh Cà Mau, tại ấp Lưu Hoa Thanh trên địa phận khu vực biển xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.

Với định hướng đầu tư phát triển một tương lai xanh bền vững, dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận đã khẳng định và chứng minh năng lực và kinh nghiệm của CMC trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với các dự án điện gió, góp phần phát triển và làm phong phú nguồn điện năng quốc gia.