Covid-19 hơn một năm qua tác động nhiều mặt lên nền kinh tế thế giới nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận thị trường du lịch nội địa dự kiến sẽ cải thiện lượt khách ngay sau khi đại dịch được khống chế, trong đó nổi bật là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng trải nghiệm chăm sóc sức khỏe.
Nhu cầu tái tạo sức khỏe
Khép lại năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm với thời gian lưu trú trung bình từ 5-7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ. Khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian lưu trú từ 3 - 4 ngày.
"Trước khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã có lượng khách du lịch quốc tế ổn định, năm sau cao hơn năm trước nên triển vọng trở lại của du khách quốc tế sau đại dịch Covid-19 khá cao", đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam chia sẻ.
Hiện nay, du lịch nghỉ dưỡng kèm với các khóa thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng... phục hồi sức khỏe được Hiệp hội Du lịch Thế giới xếp vào loại hình du lịch trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp (wellness).
"Du lịch chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến tinh thần và phát triển bản thân sẽ là trung tâm của sự tăng trưởng trong ngành du lịch toàn cầu", ông David Keen, nhà sáng lập và CEO của QUO nhận xét.
Theo ước tính của Global Wellness Institute (GWI), ngành du lịch wellness toàn cầu sẽ chạm mức 919 tỷ USD vào năm 2022.
Trung bình, cứ 6 USD chi tiêu cho du lịch trên toàn cầu thì một USD thuộc về thị trường wellness. Trong vòng 5 năm qua, châu Á dẫn đầu cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch wellness.
Nhiều tiềm năng để Việt Nam khai thác
Du lịch kết hợp trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn đã trở thành xu hướng phát triển từ rất lâu tại những nước có nền công nghiệp du lịch phát triển.
Một số quốc gia đi đầu trong mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng xứ Phù Tang, tắm đá muối tại Hàn Quốc hay du lịch kết hợp thiền định, yoga tại Ấn Độ...
Sau Covid 19 xu hướng này được các chuyên gia dự báo sẽ lan rộng, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, một số chủ đầu tư đã tìm hướng đi mới với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe trước khi thị trường trở nên quá nhiều cạnh tranh.
Ông Thân Thành Vũ - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Du lịch Nghỉ dưỡng Việt Nam nhìn nhận du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ trở thành xu hướng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Còn ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Bình Thuận nhận xét, cùng với châu Á, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách ở phân khúc wellness nhờ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng với nhiều bãi biển dài, nắng ấm có thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng, quý hiếm và hệ thống y học cổ truyền..., nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp riêng biệt.
Hệ thống resort, spa tại các khách sạn nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe của giới thượng lưu.
Trước đây giới nhà giàu thường chọn tham gia các gói detox từ cơ bản đến chuyên sâu kết hợp trong các chuyến du lịch nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên trong giai đoạn hạn chế du lịch quốc tế vừa qua đã mở ra cơ hội cho một số thương hiệu du lịch lớn của thế giới đã bắt tay với các chủ đầu tư bất động sản trong nước phát triển mô hình này nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm khác biệt trong nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe.
Theo VnExpress