Hiện nay ở Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh đó kinh tế số cũng được chính phủ đẩy mạnh phát triển.
Là người đã có hàng chục năm làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về quá trình này?
Kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh, từ quy mô thị trường năm 2015 chỉ có khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, trong năm năm đã tăng lên 10 tỉ đô la Mỹ.
Theo dự báo, trong vòng từ ba đến bốn năm tới, quy mô thị trường của nền kinh tế số sẽ đạt quy mô 25 tỉ đô la Mỹ và có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước nói chung.
Chính phủ Việt Nam cũng nhìn nhận được vai trò quan trọng của nền kinh tế số với việc ban hành nghị quyết số 52 về CMCN 4.0 vào năm ngoái, đưa ra mục tiêu nền kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GDP vào năm 2025 và hướng tới 30% vào năm 2030.
Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất hiện mô hình làm việc từ xa thông qua các kết nối băng rộng cố định hoặc di động đã cho thấy vai trò của công nghệ đối với nền kinh tế số ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vậy xin ông cho biết Ericsson có đóng góp gì vào quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam?
Kể từ khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, chúng tôi luôn sát cánh với Việt Nam thông qua các hợp tác giữa Ericsson với các nhà mạng như Vinaphone thuộc tập đoàn VNPT, Mobifone, Vietnammobile và Viettel…
Chúng tôi đã hợp tác với Mobifone (dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh) để xây dựng mạng di động đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993.
Sau đó chúng tôi cung cấp hạ tầng mạng (trạm thu và phát sóng BTS) cho Vinaphone, Viettel và các nhà mạng khác.
Sứ mạng của chúng tôi là kết nối người dùng tại Việt Nam cho dù người dùng đó ở nông thôn hay vùng núi, đô thị hay hải đảo, không phân biệt tại đâu, để tất cả mọi người đều có thể kết nối di động.
Đầu tiên là kết nối 2G, sau đó đến 3G cho phép mọi người kết nối vào Internet di động.
Rồi 4G cho phép kết nối Internet tốc độ cao hơn và nó đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Sắp tới là 5G.
Đây sẽ là hạ tầng mạng mới không chỉ kết nối con người mà còn kết nối máy móc với máy móc, kết nối con người với máy móc và kết nối các ngành với nhau để phát triển kinh tế xã hội.
Tất nhiên, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ đóng góp của Ericsson từ trong quá trình phát triển băng rộng này.
Khoảng 25-26 năm trước, khi Việt Nam còn là nước chậm phát triển với 53% dân số là người nghèo, là quốc gia thu nhập thấp và kinh tế dựa chủ yếu vào ngành nông nghiệp.
Đến 2010, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, khi bắt đầu có sự phát triển của mạng 3G.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về số người dùng Internet, cũng như số người dùng Facebook, GDP của Việt Nam trong những năm vừa qua giữ ổn định ở mức tăng trưởng trung bình 6%/năm.
Và số người nghèo trên tổng dân số giảm xuống còn 2-3%.
Như vậy, sự đóng góp của các công nghệ kết nối Internet băng thông rộng, đặc biệt là kết nối Internet băng thông rộng di động đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội rất mạnh mẽ.
Internet băng thông rộng di động giờ đã hỗ trợ cho cuộc sống rất nhiều.
Điều đó thể hiện rất rõ nét trong đại dịch COVID-19 hiện nay, giáo viên thì có thể giảng dạy từ xa, mọi người làm việc từ xa, thầy thuốc, bác sĩ cũng có thể khám bệnh từ xa… qua các thiết bị di động.
Điều này thì 20 năm trước chúng ta không thể hình dung có được.
Ericsson đã hợp tác với rất nhiều nhà mạng Việt Nam để phát triển hệ thống Internet băng rộng, xây dựng được hạ tầng băng rộng di động rất mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Ericsson ủng hộ mạnh mẽ cho tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về việc phát triển hạ tầng công nghệ số như là một nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Ông có thể nói rõ về mô hình kinh doanh của Ericsson tại Việt Nam không?
Tại Việt Nam, mô hình hoạt động kinh doanh của Ericsson thông qua các nhà mạng như VNPT, Vinaphone hoặc Mobifone, Viettel, Vietnamobile…
Ericsson cung cấp cho các nhà mạng này những giải pháp băng rộng di động như 2G, 3G, 4G, 5G với những ưu điểm của công nghệ mới như tốc độ, thông lượng, độ trễ thấp.
Các nhà mạng này họ sẽ đưa ra những giải pháp giành cho thị trường doanh nghiệp như băng rộng di động, các giải pháp Internet kết nối vạn vật (IoT) giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ví dụ, Ericsson hợp tác với nhà mạng viễn thông Telefonica để đưa ra mạng 5G dùng riêng cho Mercedes Benz, giúp họ thực hiện tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, sử dụng các công nghệ mới như AI, AR, VR nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.
Trên thế giới đang có vài nhà cung cấp hạ tầng mạng lớn. Tại Việt Nam cũng đã có nhà mạng bắt đầu tham gia sản xuất trạm thu và phát sóng di động. Theo ông lợi thế của Ericsson là gì?
Hiện nay, tổng cộng Ericsson đã lắp đặt trên 5 triệu trạm thu phát sóng 5G-ready (5G chờ sẵn) cho các khách hàng trên toàn cầu kể từ 2015.
Trong hạ tầng mạng di động của các nhà mạng Việt Nam như Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile đã có một số lượng lớn các trạm thu phát sóng của Ericsson được lắp đặt.
Trong các trạm 4G này có tích hợp công nghệ trạm gốc Ericsson Radio System.
Ưu điểm của công nghệ này là có thể dễ dàng nâng cấp lên 5G bằng cách nâng cấp từ xa bằng phần mềm.
Nhờ vậy, các nhà mạng dễ dàng và tiện dụng nâng cấp lên hạ tầng 5G mới nhất và vẫn đảm bảo được các khoản đầu tư trước đó của họ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có công nghệ mạng lõi hai chế độ Dual Mode Core Network hỗ trợ được cả mạng 4G và 5G.
Như vậy, trạm thu phát sóng của Ericsson cung cấp cho phép hai công nghệ 4G và 5G đều chạy trên cùng hai tầng mạng lõi.
Ngoài ra, Ericsson còn tích hợp công nghệ chia sẻ băng tần Spectrum Sharing, nghĩa là trên các băng tần hiện có như là 900Mhz, 1800Mhz (và trong tương lai là băng tần 2300 Mhz và 2.600 Mhz) thì trạm thu phát sóng có thể cho phép các công nghệ như 3G, 4G, 5G đều có thể hoạt động và có thể kết nối với các thiết bị đầu cuối.
Hơn 80% số mạng 5G đã được thương mại hiện nay trên toàn cầu do Ericsson thực hiện sẽ sử dụng công nghệ Spectrum Sharing trong vòng 12 tháng tới để đạt độ phủ sóng 5G lớn nhất có thể.
Ông đánh giá thế nào về thúc đẩy triển khai 5G, hạ tầng số tại Việt Nam?
Theo các dự báo về số lượng thiết bị IoT kết nối vào mạng đến 2025 thì có đến 25 tỉ thiết bị được kết nối vào mạng, và thiết bị kết nối của người dùng chỉ đạt 9 tỉ trong số đó, còn lại là kết nối máy móc với máy móc hoặc kết nối con người với máy móc.
Và đương nhiên chỉ có 5G mới hỗ trợ được số lượng kết nối khổng lồ đó nhờ ưu điểm hơn hẳn 4G về hiệu quả sử dụng băng tần, độ trễ thấp, độ tin cậy cao và tốc độ nhanh hơn.
Độ trễ trên 5G nó chỉ một mili giây so với 4G là hàng trăm mili giây.
Như vậy, nó sẽ hỗ trợ được những ứng dụng trọng yếu như là điều hành phẫu thuật từ xa.
Ericsson ủng hộ mạnh mẽ cho tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về việc phát triển hạ tầng công nghệ số như là một nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.