Theo báo cáo tài chính của CJ CGV Hàn Quốc, công ty mẹ của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam), doanh thu năm 2020 của CGV Việt Nam đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với năm 2019 (hơn 3.600 tỷ đồng).
Đồng thời, CGV Việt Nam cũng ghi nhận trong khi số lỗ năm 2019 là 156 tỷ đồng thì đến năm 2020 tiền lỗ tăng mạnh lên hơn 850 tỷ đồng. Như vậy mỗi ngày, công ty này lỗ hơn 2,3 tỷ đồng. Theo thống kê từ Q&Me, trong năm 2020 CGV Việt Nam có tổng cộng 84 rạp chiếu phim trên cả nước.
Đối với hãng rạp chiếu phim Lotte, dữ liệu từ báo cáo tài chính của Lotte Shopping LTD cho thấy mảng rạp chiếu phim nói chung tại các chi nhánh của công ty, bao gồm Việt Nam cũng gặp vấn đề không mấy khả quan trong kinh doanh.
Cụ thể, trong năm 2020, doanh thu hợp nhất từ hoạt động chiếu phim của Lotte Shopping LTD ghi nhận 266 tỷ won (khoảng 5.500 tỷ đồng), tương ứng giảm trên 65% so với năm 2019.
Lợi nhuận hoạt động đạt âm 160 tỷ won (hơn 3.300 tỷ đồng) năm 2020, trong khi đó ghi nhận ở năm 2019 là 1 tỷ won (khoảng 20 tỷ đồng). Báo cáo cũng ghi rõ tại Việt Nam, lượng khách tới phòng vé giảm gần 30% so với năm 2019.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trên toàn thế giới, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng dịch lớn và mỗi lần bùng dịch, rạp chiếu phim là một trong những mô hình kinh doanh chịu tác động nặng nề nhất do lệnh giãn cách xã hội.
Nhưng sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội, khách hàng cũng không mặn mà tới rạp chiếu phim do e ngại vì dịch bệnh nơi đông người và không có nhiều bộ phim hấp dẫn.
Nguyên nhân là do lịch khai máy, ngày công chiếu của các bộ phim đều lần lượt bị hoãn do dịch bệnh, dẫn đến nguồn phim mới hạn hẹp.
Đứng trước khó khăn, vào giữa tháng 5, các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm cả Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema, đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt thông qua việc xem xét cho rạp chiếu phim hoạt động trở lại sớm hơn với sự cam kết tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế là một trong những phương án hỗ trợ các doanh nghiệp kiến nghị.
Bên cạnh đó, khủng hoảng thanh toán cho doanh nghiệp để thoát khỏi nguy cơ phá sản cũng được hỗ trợ giải quyết. Đơn cử như hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới. Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp BHXH, BHYT, BHTN cũng như giảm thuế phí cho doanh nghiệp và người lao động.
Theo VietnamBiz