Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi đáng kể sau một loạt biến động từ toàn cầu hóa, hiệp ước trao đổi thương mại song-đa phương, tiến bộ công nghệ, biến đổi khí hậu v.v.
Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, đã có nhiều tác động lớn đến đời sống – xã hội khiến các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực phải thay đổi tư duy và mô hình quản trị thậm chí là mô hình kinh doanh của mình.
Sự thay đổi có tính chiến lược này được xem là tất yếu để các doanh nghiệp lâu đời, các công ty nhỏ hay các startup mới thành lập có thể sống còn, tăng trưởng và tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, từ nhiều nguồn và dưới nhiều hình thức.
Với tình hình kinh tế phát triển và hội nhập như hiện tại, khi lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp không còn đơn giản là công nghệ sản xuất hay giá cả thị trường thì yếu tố được nhắc đến nhiều nhất chính là văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp theo mô hình 3P.
Cũng có tên gọi là 3P nhưng có nhiều cách hiểu và thuật ngữ khác nhau tùy vào từng trường hợp áp dụng.
Bởi ý nghĩa của từng mô hình sẽ được tổng hợp từ những yếu tố cấu thành nên chúng.
Nhìn chung đó là những quy chuẩn – mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến trong quá trình quản trị tổ chức của mình.
Để thích ứng linh hoạt với những biến động của thời cuộc, mô hình 3P cũng đã có nhiều thay đổi và được các doanh nghiệp ứng dụng khác nhau ở mỗi giai đoạn.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu mô hình 3P được ứng dụng trong hoạt động kinh doanh qua các thời kỳ như thế nào.
1. Mô hình 3P về quan hệ kinh doanh: People - Product – Profit
Mô hình 3P đầu tiên được xác định dựa trên mối quan hệ về kinh doanh.
Trước đây hoạt động kinh doanh được cho rằng chỉ có thể thực hiện khi có đủ 3 yếu tố:
People: Con người (người làm ra sản phẩm, người bán, người mua…)
Product: Sản phẩm/dịch vụ
Profit: Lợi nhuận
Quan niệm khác nhau về ý nghĩa, vai trò của 3 yếu tố này, thể hiện qua việc sắp xếp thứ tự ưu tiên từng yếu tố sẽ dẫn đến những thái độ, cung cách ứng xử khác nhau trong kinh doanh.
Quan niệm thứ nhất là đặt lợi nhuận lên mục đích hàng đầu, kế tiếp là sản phẩm, sau cùng là con người.
Đối với một doanh nghiệp xem lợi nhuận là tối thượng thì họ sẵn sàng kinh doanh bất cứ sản phẩm gì, không cần quan tâm đến chất lượng mà chỉ cần đạt được lợi nhuận cao nhất.
Con người làm ra sản phẩm hay khách hàng đối với doanh nghiệp này chỉ được xem như công cụ để họ khai thác làm giàu, được xếp ở vị trí sau cùng.
Quan niệm này thực chất là tư duy của giai đoạn kinh tế thị trường còn ở buổi sơ khai, chưa có nhiều biến động.
Kết quả của nó là dẫn đến kiểu kinh doanh chụp giật, không tạo ra khách hàng trung thành và hậu quả là không thể tồn tại lâu dài.
Quan niệm thứ hai là chú ý đến sản phẩm hay dịch vụ trước nhất, sản phẩm tốt thì mới đạt hiệu quả kinh doanh và sẽ có lợi nhuận.
Với quan niệm này doanh nghiệp đã chú ý đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đến vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh. Tuy nhiên yếu tố con người vẫn bị xếp cuối bảng.
Do vậy để có thể đạt lợi nhuận cao, người ta thường cố ép giá thành, nâng giá bán bằng cách chèn ép, khai thác tối đa nhân công và tìm cách chiêu dụ khách hàng.
Quan niệm này gắn với thời kỳ công nghiệp mới vừa phát triển, theo xu hướng đề cao máy móc, kỹ thuật và xem con người chỉ là một bộ phận, một cái “đinh ốc” trong guồng máy sản xuất.
Ở quan niệm thứ ba thì yếu tố con người lại được đặt vào vị trí quan trọng nhất, sau đó mới là sản phẩm và cuối cùng là lợi nhuận.
Các doanh nghiệp lựa chọn thứ tự này thường sẽ có xu hướng đối xử tốt với khách hàng, đối tác và nhân viên của mình.
Khi chú trọng đến yếu tố con người, doanh nghiệp sẽ thu nhận lại lượng khách hàng trung thành cao hơn.
Một khi lượng khách hàng được gia tăng sẽ kéo theo việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động.
Và khi ấy lợi nhuận sẽ đến như một kết quả tất yếu.
Thực tế mãi cho đến thời hiện đại, người ta mới nhận thức được vai trò quan trọng của con người trong sản xuất, kinh doanh.
Từ đó quan niệm thứ ba của mô hình 3P về quan hệ kinh doanh mới bắt đầu phát triển.
Cũng chính từ quan niệm này làm phát sinh thêm về ngành quản lý quan hệ khách hàng và quản lý quan hệ nhân sự.
Thực tế cũng cho thấy, khi đặt con người lên hàng đầu trong kinh doanh, vốn cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều, cốt yếu là vấn đề quan hệ đối xử.
2. Mô hình 3P về quan hệ nhân sự: Position – Person – Performance
Như đã nói ở trên, khi đến giai đoạn con người được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy kinh doanh thì các doanh nghiệp cũng sẽ xem xét đến các vấn đề liên quan đến nó.
Và một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhân sự đó là xây dựng một mô hình đãi ngộ phù hợp với từng cá nhân và điều kiện của doanh nghiệp.
Mô hình 3P tiếp theo ra đời xuất phát từ mục đích như vậy.
Đây là mô hình đãi ngộ cho người lao động dựa trên việc kết hợp trả lương theo 3 yếu tố cơ bản: vị trí công việc, năng lực cá nhân và kết quả công việc.
– Position (Vị trí công việc): trả lương theo vị trí tức là trả theo tầm quan trọng của công việc, gắn liền với các yếu tố như cấp bậc, chức danh của người đó trong tổ chức.
Ví dụ như vị trí công việc giám đốc, quản đốc, nhân viên trực tiếp sản xuất.
– Person (Năng lực cá nhân): trả lương theo năng lực cá nhân tức là trả theo khả năng hoàn thành trên cùng một công việc.
Ví dụ như năng lực trình độ đại học, cao học, hay đáp ứng các khung năng lực riêng của doanh nghiệp.
– Performance (Kết quả công việc): trả lương theo kết quả công việc hay còn gọi là trả lương theo thành tích đạt được, gắn liền với các chỉ tiêu về hiệu suất công việc.
Mục tiêu của mô hình 3P này là hướng tới đảm bảo sự công bằng nội bộ và thị trường trong trả lương.
Hình thức này sẽ giúp loại bỏ các yếu tố cảm tính, thiên vị, tình cảm, quan hệ cá nhân.
Từ đó người lao động cảm thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra, yên tâm làm việc và cố gắng nâng cao hiệu suất.
Bên cạnh đó, nó còn giúp triệt tiêu ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố tuổi tác kinh nghiệm, tạo ra môi trường cạnh tranh mà ở đó bất kỳ ai, ở độ tuổi cấp bậc nào đều phải luôn cố gắng để nâng cao hiệu quả công việc.
Mô hình 3P này sẽ là công cụ khá tốt với những công ty đã có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, được tổ chức, vận hành bởi những nhà quản lý chuyên nghiệp, đánh giá kết quả làm việc của nhân viên dựa trên dữ kiện số liệu.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình tuyển dụng, bố trí nhân sự, nếu đưa phương thức trả lương theo mô hình 3P ngay từ đầu sẽ rất thuận lợi và phát huy tác dụng nhiều hơn.
3. Mô hình 3P dựa trên lý thuyết Triple Bottom Line: People - Planet - Profit
Hiện nay, mô hình được nhiều doanh nghiệp áp dụng triển khai chính là mô hình 3P dựa trên lý thuyết bộ ba cốt lõi bền vững (Triple Bottom Line).
Đây là một khung phân tích về kế toán để đo lường và lập báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp về cả ba phương diện là kinh tế, xã hội và môi trường, để khuyến khích các tổ chức kết hợp tính bền vững vào thực tiễn kinh doanh của họ.
Với mô hình này, đòi hỏi doanh nghiệp muốn đạt được mục tiêu bền vững thì phải có trách nhiệm với tất cả các “đối tượng liên quan” chứ không chỉ với những cổ đông.
Các “đối tượng liên quan” ở đây là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các hoạt động của doanh nghiệp.
Đó chính là xã hội, kinh tế và môi trường.
Để mô tả ngắn gọn những đối tượng trên, Elkington đã sử dụng ba yếu tố là: People, Planet, Profit - Con người, Hành tinh, Lợi nhuận.
- People (Con người): Yếu tố này đề cập đến cộng đồng và bản thân đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, cổ đông của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hành động để cải thiện được tình hình kinh tế của cộng đồng, của xã hội, cải thiện về nguồn lao động, tri thức và cuộc sống của cộng đồng…
Con người ở đây còn liên quan đến các phương thức kinh doanh công bằng và có lợi cho người lao động và cộng đồng nơi mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ở yếu tố này, ta thường thấy những chương trình cụ thể như Management Trainee của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, PepsiCo, P&G v.v...
Chương trình này giúp giáo dục và huấn luyện các sinh viên mới ra trường nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng thực tiễn nhằm đáp ứng các nhu cầu trong công việc.
Khi các sinh viên được đào tạo, họ có thể tạo ra được những giá trị cụ thể cho cộng đồng và xã hội.
- Planet (Hành tinh): Yếu tố này nói đến những hành động của doanh nghiệp làm cho môi trường sống ngày càng an toàn, lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Nỗ lực của việc áp dụng mô hình này là làm giảm sự suy thoái môi trường bằng cách quản lý chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là những năng lượng không tái tạo.
Đồng thời cũng giảm chất thải sản xuất cũng như làm cho chất thải ít độc hại hơn trước khi thải bỏ chúng một cách an toàn và hợp pháp.
Chẳng hạn như mỗi năm OMO đều tổ chức các hoạt động thân thiện với môi trường.
Thương hiệu này đã nghiên cứu và yêu cầu các nhà cung cấp sử dụng những thành phần nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường như nhựa tái chế không có chất độc hại.
- Profit (Lợi nhuận):
Một doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận. Khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế cho Nhà nước, đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động tốt thì sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho cộng đồng, từ đó cũng giúp cho việc luân chuyển hàng hóa trở nên thông suốt.
Ba yếu tố của mô hình 3P này thường gắn liền với nhau.
Khi doanh nghiệp có khả năng tích hợp hài hòa cả ba yếu tố con người, hành tinh và lợi nhuận trong chiến lược kinh doanh thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu này được đo lường dựa trên mức độ hài lòng của tất cả các đối tượng liên quan, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp được cộng đồng công nhận.
Đây chính là những lợi thế to lớn giúp cho doanh nghiệp tồn tại và vượt qua được các đối thủ của mình.
Sự phát triển của mô hình 3P: thay đổi tất yếu của thời đại
Hơn hai năm dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng và định hình nhiều xu thế phát triển kinh tế mới.
Trong bối cảnh đó, câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, thích ứng linh hoạt với tình hình mới lại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong đó, việc thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
Các mô hình 3P phát triển theo nhiều khái niệm khác nhau cũng xuất phát từ những ứng dụng linh hoạt của doanh nghiệp để thích ứng với tình hình thực tế.
Thêm một lý do nữa để dẫn đến thay đổi này chính là sự lên ngôi của xu hướng phát triển bền vững, đã có nhiều tác động lớn đến văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong suốt một khoảng thời gian dài hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận chứ không quan tâm đến những vấn đề như xã hội, môi trường hay làm thế nào để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp được bền vững, lâu dài.
Chính sự thờ ơ đó đã gây ra những hệ lụy mà hiện nay con người phải gánh chịu như:
Khí hậu chuyển biến bất thường, ô nhiễm môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, nạn đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh v.v.
Chỉ khi phải đối mặt với những vấn đề này, nhận thức của con người mới thức tỉnh.
Các doanh nghiệp nhận ra nếu không kịp thời thay đổi để thích ứng thì hậu quả từ những vấn đề trên sẽ trở thành sức ép, khó khăn cản trở việc phát triển kinh doanh.
Từ đó cũng xuất hiện nhu cầu về phát triển các yếu tố xã hội, môi trường song song với phát triển kinh tế.
Và chính vì vậy, xu hướng phát triển dựa trên những giá trị bền vững (sustainable values) trở thành nền tảng chắc chắn giúp doanh nghiệp trụ vững giữa mọi biến động.
Ngôn ngữ liên quan đến quản trị doanh nghiệp cũng được bổ sung thêm khái niệm “tác nhân liên quan”, “phát triển bền vững” và “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR).
Những khái niệm mới này tuy không liên quan đến tài chính nhưng lại là những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp về lâu dài.
Kết
Nói tóm lại, sự phát triển của mô hình 3P theo thời gian cũng chính là sự thay đổi tất yếu để thích ứng với thực trạng kinh tế - xã hội hiện tại.
Như đã nói ở trên, ba yếu tố trong mô hình 3P mới nhất (People, Planet, và Profit) đều là những yếu tố quan trọng, không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có rất nhiều con đường dẫn doanh nghiệp tới đích là sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thông qua những yếu tố thì có thể thấy áp dụng mô hình 3P theo lý thuyết Triple Bottom Line là một trong những con đường an toàn và hiệu quả nhất.
Đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp giải quyết được vấn đề xã hội, vừa đảm bảo kinh doanh để phát triển trường kỳ.