Thực tế cho thấy, COVID-19 đã gây ra những tác động lên kinh tế - xã hội như thế nào khi giao thương khó khăn, chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy, thu nhập giảm sút...
Theo nhiều ý kiến nhận định, trong bối cảnh đó, phát triển bền vững sẽ là “vaccine” cho doanh nghiệp để bảo vệ chính mình.
Các doanh nghiệp theo đuổi định hướng này thường trụ vững tốt hơn, tìm ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sự ổn định về hoạt động, thậm chí vẫn duy trì được các giá trị mang đến cho xã hội và đóng góp vào nền kinh tế.
Từ một đại xu hướng mang tính toàn cầu, phát triển bền vững cũng len lỏi vào từng mô hình, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tác động lên các thành phần kinh tế, từ đó hình thành những “con sông nhỏ" đổ ra biển lớn.
Hiện tại, có 04 xu thế về phát triển bền vững bao gồm: CSV, SIB, ESG và 3P.
Mô hình CSV - Phát triển bền vững gắn liền với việc chia sẻ giá trị của doanh nghiệp
Là mô hình nâng cấp từ CSR, CSV là mô hình kinh doanh tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Mô hình CSV đang được phát triển rộng rãi ở nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mô hình này vừa đáp ứng mục tiêu sống còn của doanh nghiệp là gia tăng giá trị kinh tế, vừa thực hiện điều đó thông qua những hoạt động gia tăng giá trị xã hội có kế hoạch, có chủ đích.
Xem thêm: Những ý tưởng mới trong hoạt động CSR
CSV có nhiều cấp độ khác nhau:
- Cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt hơn, với giá cả hợp lý hơn;
- Tham gia cả vào việc quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội;
- Tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của cả các thành phần kinh tế địa phương.
Nếu như CSR là các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và là hoạt động độc lập với kế hoạch kinh doanh; thì CSV lại là một cách tiếp cận, một chiến lược kinh doanh bao hàm mục tiêu kinh tế và cả mục tiêu xã hội.
Một doanh nghiệp nổi bật áp dụng mô hình này là Gojek, luôn mong muốn tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng.
Có thể thấy, sự kiên định theo đuổi mô hình CSV đã giúp doanh nghiệp này 2 năm liên tiếp lọt vào danh sách “Doanh nghiệp vì cộng đồng” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.
Xem chi tiết tại: Tiên phong mô hình CSV gọi tên Gojek, Nestlé
Tổ chức SIB - Thay đổi mô hình kinh doanh hướng đến phát triển bền vững
Nếu CSV dừng lại ở những hoạt động và định hướng chiến lược của một tổ chức trong việc tạo ra các giá trị cho cộng đồng xã hội thì SIB là một bước phát triển mới khi thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh.
Đây là một mô hình kinh doanh đang dần xuất hiện nhiều ở Việt Nam.
SIB là một tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội, môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức.
Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.
Ở Việt Nam, SIB thường có quy mô nhỏ về nhân sự nhưng lại đi đầu trong việc thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong kinh doanh.
Gần như tất cả các SIB đều có nhân viên là nữ và 3/4 số doanh nghiệp này có người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của mình.
70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận, 59% SIB ở Việt Nam lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% tập trung vào mục tiêu xã hội.
Trong đó, việc làm, cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là 3 lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB.
Tháng 4/2022, Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 (Dự án ISEE-COVID)” đã khởi động “Gói hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19”.
Dự án này hỗ trợ các doanh nghiệp SIB hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là các đơn vị do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ.
Với sự hỗ trợ của dự án, các doanh nghiệp nhận hỗ trợ sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
ESG - Đầu tư cũng hướng đến phát triển bền vững
Trên phương diện đầu tư, bài toán tài chính và lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu của các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, giờ đây khi phát triển bền vững trở thành “chứng nhận mới" trên phạm vi toàn cầu thì các nhà đầu tư cũng không thể vì “lợi ích thương mại" mà bỏ qua những giá trị này.
Vì thế, một mô hình khác mang tính chất đầu tư dài hạn cũng đã và đang xuất hiện tại nước ta là ESG.
ESG - Environmental, Social & Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
ESG chủ yếu dựa trên ba trụ cột với hàng chục chỉ tiêu cụ thể:
- Về môi trường là các chỉ tiêu như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, thiết kế thân thiện sinh thái, đổi mới sáng tạo;
- Về xã hội là các chỉ tiêu như sức khỏe lao động, an toàn, sự đa dạng, quan hệ cộng đồng, từ thiện;
- Về quản trị là các chỉ tiêu như quyền cổ đông, cơ cấu thành phần và sự đa dạng của hội đồng quản trị, lương ban quản trị, gian lận và hối lộ.
Những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng trong khu vực công của Chính phủ do đóng góp quan trọng của khu vực này vào sự phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch COVID-19.
Vinamilk là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt quan tâm và đầu tư vào ESG từ nhiều năm trước và đã đạt được nhiều thành công nhất định.
Xem thêm:
Nhiều doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu ESG, coi mình là một dòng chảy của xã hội
Giải mã cổ phiếu xanh Vinamilk (VNM)
Mô hình 3P - Chiến lược dài hạn gắn liền với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhân sự và môi trường
Cuối cùng là mô hình 3P, mô hình đích thực của phát triển bền vững, chú trọng con người và hành tinh, yếu tố mà các mô hình khác chưa đề cập đến.
Theo mô hình 3P - People, Planet và Profit, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần xem chính bản thân doanh nghiệp như là một thành viên của cộng đồng, và thực hiện những nghĩa vụ, bao gồm: Con người, Hành tinh, Lợi nhuận.
Về con người, mô hình đề cập đến cộng đồng và cả bản thân đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành quản lý, nhân viên, cổ đông của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp làm gì để có thể cải thiện được tình hình kinh tế của cộng đồng, của xã hội, cải thiện về nguồn lao động, cải thiện những tri thức, cuộc sống của cộng đồng,...
Minh chứng cho P này là những chương trình cụ thể như Management Trainee của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Pepsi, P&G,...
Chương trình này giúp giáo dục và huấn luyện các sinh viên mới ra trường nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng thực tiễn nhằm đáp ứng các nhu cầu trong công việc.
Khi các sinh viên được đào tạo, doanh nghiệp có thể tạo ra được những giá trị cụ thể cho cộng đồng và xã hội.
Về Hành tinh, hay nói cách khác là môi trường, những việc làm của công ty làm cho môi trường sống ngày càng an toàn, và tốt đẹp hơn.
OMO, nhãn hàng bột giặt này luôn luôn có nhiều chương trình CSR riêng của nhãn hàng bao gồm 2 hoạt động nổi trội là: giáo dục và giúp trẻ phát triển tốt hơn và các hoạt động thân thiện với môi trường.
Các hoạt động thân thiện với môi trường của OMO là mỗi năm điều nghiên cứu và yêu cầu các nhà cung cấp cung cấp hay sử dụng những thành phần nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường như nhựa tái chế không có chất độc hại với môi trường,...
Về Lợi nhuận, dĩ nhiên đó là làm sao phải có lợi nhuận cho công ty.
Ngoài việc đóng góp vào ngân sách quốc gia, công ty còn đem đến nhiều việc làm hơn cho cộng đồng và quốc gia hay khu vực mà mình hoạt động, từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp và kinh tế đất nước cùng phát triển.
Ba yếu tố này thường gắn liền với nhau, một khi doanh nghiệp có khả năng tích hợp hài hòa cả ba yếu tố trong chiến lược ngắn và dài hạn của mình thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Tóm lại, mỗi mô hình đều có một giá trị riêng biệt và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cần nhìn vào quy mô, định hướng và khả năng của doanh nghiệp để lựa chọn áp dụng mô hình phù hợp.