TS. Trần Ngọc Dũng, sáng lập Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, thương hiệu nước mắm Tĩn
TS. Trần Ngọc Dũng, sáng lập Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, thương hiệu nước mắm Tĩn.

Gấu nước là sinh vật sống lâu đời nhất tồn tại hàng tỷ năm trên trái đất bất chấp các dạng môi trường khắc nghiệt nhất.

Sở dĩ được vậy là do gấu nước sở hữu protein Dsup liên kết với chuỗi ADN của mình tạo thành cấu trúc đơn giản nhưng đặc biệt giúp nó tăng sức chống chọi ngoại tác, chống bị thương tổn nặng với nhiệt độ -275 độ C đến hơn 100 độ C.

Nó tồn tại được trong băng tuyết, đáy đại dương, môi trường phóng xạ cao, áp suất lớn, ngoài không gian vũ trụ.

Vậy cấu trúc của một doanh nghiệp cần phải như thế nào để được như gấu nước?

Câu trả lời có thể nằm ở một cấu trúc tối giản trong mô hình kinh doanh.

Tối giản ở đây không hẳn phải là nhỏ, là ít về số lượng mà là khả năng “tối ưu hóa” năng lực sẵn có để có thể đạt hiệu quả nhiều nhất trong khi dùng nguồn lực ít nhất, khôn khéo nhất.

COVID-19 với sự khắc nghiệt của nó cảnh tỉnh tất cả doanh nghiệp luôn phải xây dựng sức đề kháng cao, không phải chỉ ở trong lúc khó khăn như hiện nay mà phải luôn duy trì ở mọi thời điểm vì sự biến động của yếu tố vĩ mô lẫn vi mô ngày càng quá nhanh, quá khốc liệt.

Xin chia sẻ cái nhìn chi tiết từ thực tế kinh doanh của chính dự án đầu tư Làng Chài Xưa, dự án du lịch duy nhất tại Mũi Né vẫn duy trì được 50% hoạt động kinh doanh trong 2 tháng dịch COVID-19 vừa qua.

Tối ưu hóa trong phân bổ nguồn vốn đầu tư để giảm rủi ro

Nguồn vốn đầu tư ngay từ đầu được phân bổ thành từng giai đoạn và chia làm 2 mảng: Sản phẩm du lịch văn hóa và sản phẩm làng nghề địa phương.

Hiện nay nguồn doanh thu từ du lịch đã bị ảnh hưởng do nhà hát show diễn Huyền thoại Làng Chài, bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa và cụm nhà hàng Mũi Né Xưa đã phải tạm nghỉ do thực hiện cách ly xã hội.

Tuy nhiên nguồn doanh thu từ kinh doanh thương hiệu nước mắm Tĩn xưa tại các kênh phân phối ngoài khu du lịch vẫn đang tăng trưởng tốt do các kênh này, cả online lẫn truyền thống đều không bị ảnh hưởng.

Trong 3 năm qua, sản phẩm du lịch văn hóa đã góp phần quảng bá rất hiệu quả sản phẩm làng nghề, tạo cơ hội trải nghiệm, trao thông điệp cảm xúc, câu chuyện thương hiệu rất có chiều sâu.

Ngược lại, việc phục dựng lại thương hiệu nước mắm Tĩn 300 năm lịch sử, theo chân khách du lịch góp phần quảng bá cho sản phẩm văn hóa.

Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn của du lịch, chính sản phẩm làng nghề đang giúp cả khu du lịch tồn tại.

Tối ưu hóa nguồn nhân lực bằng đào tạo (về cả tinh thần và kỹ năng) tính đa năng kiêm nhiệm, trui rèn khả năng linh động thiện chiến

Tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch rất cao, phải ứng biến linh hoạt, đa năng, các bộ phận đều được chuyển đổi xoay vòng để học hỏi công việc lẫn nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau và sẵn sàng được điều động.

Đơn cử, hầu như nhân viên ở các bộ phận như nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, xưởng sản xuất, bán hàng, kế toán đều có khả năng giới thiệu sản phẩm nước mắm của làng nghề, đều được đào tạo trả lời qua điện thoại, tin nhắn Facebook, Zalo, website các yêu cầu của khách hàng.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa của TS. Trần Ngọc Dũng vẫn phát triển khá tốt trong đại dịch Covid-19 nhờ mô hình kinh doanh tối giản
Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa của TS. Trần Ngọc Dũng vẫn phát triển khá tốt trong đại dịch COVID-19 nhờ mô hình kinh doanh tối giản.

Mùa khách du lịch thấp điểm thì dồn nhân lực vào sản xuất, bán sản phẩm từ xa qua kênh online, mùa du lịch cao điểm thì ngược lại nhân lực sẽ được tập trung vào phục vụ khách du lịch và bán hàng qua kênh này.

Mùa Tết cao điểm của nước mắm thì cả bộ máy sẽ phục vụ ưu tiên cho mục tiêu doanh số Tết.

Ngoài ra tận dụng tối đa đội ngũ nhân viên bán thời gian cũng là một giải pháp tối ưu chi phí cho những ngành có tính chất mùa vụ cao như du lịch.

Tinh giản trong quy trình phát triển sản phẩm để đạt được sự đa dạng, đa chiều trong chiến lược “từ sản phẩm đến thị trường”

Về mặt đa chiều, sản phẩm du lịch văn hóa và sản phẩm làng nghề nước mắm phát huy khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong các giai đoạn khác nhau.

Từ 3 năm nay, sản phẩm du lịch văn hóa là kênh dẫn cho sản phẩm nước mắm làng nghề kết nối khách hàng, khi gặp khó trong kênh dẫn từ du lịch thì sản phẩm làng nghề đã có chỗ đứng nhất định, có thể hỗ trợ giảm rủi ro cho sản phẩm du lịch.

Về đa dạng sản phẩm: Đối với sản phẩm du lịch văn hóa là sự phong phú trong sản phẩm như show diễn, bảo tàng, nhà hàng, các gói combo dịch vụ, các chương trình khách lẻ, khách đoàn... cho mùa khách Tây, mùa khách Việt.

Đối với hệ sản phẩm nước mắm thì được phát triển liên tục từ: Kiểu dáng (bình gốm xưa, chai thủy tinh), đối tượng (nước mắm người lớn, trẻ em, nước mắm chay), nguyên liệu (nước mắm cá cơm, nước mắm tôm biển).

Bài toán nằm ở chỗ vừa đảm bảo tối ưu nguồn lực cho sản phẩm cốt lõi nhưng phải triệt để tìm kiếm cơ hội để tối đa doanh thu bằng tận dụng thế mạnh cốt lõi tung ra các sản phẩm liên quan và có khả năng tương hỗ lẫn nhau.

Khi gặp khó một sản phẩm thì vẫn còn những sản phẩm khác bù đắp.

Mấu chốt để giải bài toán này nằm ở khả năng tinh gọn quy trình nghiên cứu phát triển sản phẩm bằng các kênh tiếp xúc trực tiếp khách hàng để việc thử nghiệm sản phẩm mới được tiến hành nhanh chóng, tốn kém ít chi phí nhất.

Một cảnh trong buổi biểu diễn Fisherman Show tại bảo tàng nước mắm.
Một cảnh trong buổi biểu diễn Fisherman Show tại bảo tàng nước mắm.
Kênh phân phối và truyền thông cho dự án được thực hiện tinh giản nhất với việc truyền bằng sản phẩm du lịch văn hóa và kênh online để tiếp thị sản phẩm làng nghề.

Hệ thống bán hàng sử dụng kết hợp bán hàng tại chỗ (địa phương) và xây dựng hệ thống đại lý bán lẻ tại các tỉnh thành khác và gian hàng trên kênh thương mại điện tử, trên mạng xã hội.

Ngay từ quá trình đưa sản phẩm làng nghề vào kênh dẫn du lịch văn hóa, sau 6 tháng đầu, nước mắm Tĩn đã được đưa vào kênh phân phối truyền thống.

Trong suốt 1 năm kế tiếp là kênh thương mại điện tử và thương mại qua mạng xã hội với việc xây dựng nhận thức, đầu tư cho đội ngũ Digital Marketing.

Cơ hội để tái cấu trúc cho phát triển dài hạn

Khủng hoảng đại dịch kéo theo khủng hoảng kinh tế đang đặt doanh nghiệp trước thách thức kéo dài, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải điều chỉnh, đặt lại mục tiêu cho cả ngắn hạn, trung và dài hạn. 

Để chuyển đổi mô hình kinh doanh, cần tư duy tối giản hóa mọi việc.

Ngay cả trong hoàn cảnh bình thường nếu có tư duy này chúng ta đã có thể cắt ngắn các cuộc họp vô bổ, đi thẳng vào giải quyết vấn đề, không rườm rà phòng ban phê duyệt, tinh giản hóa quy trình, phân phối trao quyền quyết định xuống các tầng nhân sự thì chúng ta đã không mất quá nhiều thời gian để di chuyển, gặp gỡ,… hoàn toàn các công việc có thể thực hiện tự động, từ xa.

Với tư duy tối giản này doanh nghiệp sẽ có sức đề kháng cao khi gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như hiện nay.

Các nền tảng số trong quản lý công việc hàng ngày sẽ giúp cả bộ máy liên kết chia sẻ linh hoạt, khả năng ứng dụng tiếp thị bán hàng nghiên cứu sản phẩm thị trường bằng các kênh kỹ thuật số sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc quá trình thử nghiệm, điều chỉnh và tung sản phẩm với chi phí hiệu quả nhất.