Suy nghĩ về môi trường

Xin chào Re.socks. Các bạn có thể chia sẻ về đội ngũ, cũng như cơ duyên để mọi người gặp gỡ và xây dựng nên dự án này?

Dự án Re.socks có 8 thành viên ở TP.HCM, bắt đầu xây dựng vào tháng 9/2020, và nhận được sự dẫn dắt từ anh Quách Kiến Lân - người có kinh nghiệm lâu năm về sợi vải. 

Tám thành viên bao gồm: Bình – từng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và dự án môi trường – làm quản lý chung. 

Team Sale có ba bạn Lam, Linh, Sự còn team Marketing - Thiết kế - Chăm sóc khách hàng có bạn Nhu, Giang và Như. 

Nhóm bạn trẻ yêu môi trường đã cùng nhau kinh doanh thời trang bền vững. Nhóm bạn trẻ yêu môi trường đã cùng nhau kinh doanh thời trang bền vững.

Dù còn đang là sinh viên hay đã tốt nghiệp, chúng mình có chung mối quan tâm lớn dành cho môi trường và thời trang bền vững

Re.socks nhận thấy thói quen phân loại, tái chế rác chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt rác thải nhựa luôn là vấn đề nóng. 

Rác thải cũng có thể là tài nguyên, nhưng chỉ khi ta biết tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích, gần gũi để phục vụ đời sống con người. 

Team đã tìm hiểu về công nghệ – nhà xưởng cả trong lẫn ngoài nước và nhận thấy nếu sử dụng chai nhựa (nhựa PET) để kéo sợi sẽ khiến chúng được tái sinh lần nữa, giảm sự khai thác tự nhiên. Và Re.socks đã ra đời như vậy đó.

Tại sao Re.socks chọn sản phẩm là đôi tất? Trong tương lai, team có kế hoạch phát triển hay mở rộng thêm sang những dòng sản phẩm không?

Re.socks là local brand sắp đến tuổi "thôi nôi", với sản phẩm là những đôi tất vớ làm từ sợi chai nhựa tái chế. Re.socks là local brand sắp đến tuổi "thôi nôi", với sản phẩm là những đôi tất vớ làm từ sợi chai nhựa tái chế.

Sản phẩm đầu tiên là tất, bởi chúng mình muốn truyền tải câu chuyện những “bước chân xanh” được làm từ vật liệu tái chế trên hành trình bền vững. 

Tất cũng là một sản phẩm rất gần gũi, ai cũng cần dùng đến. Đôi tất dù nhỏ bé, sẽ giúp mọi người thấy được việc tái chế có khả năng tạo ra các sản phẩm hữu ích cho đời sống thế nào.

Với riêng sản phẩm về tất, chúng mình đang nghiên cứu tạo ra các mẫu mã bắt mắt hơn trong thời gian tới.

Tập trung vào tính chức năng, sử dụng các sợi kết hợp như sợi cà phê, nhằm tạo sức thu hút trong một thị trường quá rộng và đã có những sản phẩm giá thành rất thấp.

Còn trong tương lai, Re.socks sẽ cho ra nhiều sản phẩm hơn, như áo, ví, mũ.., không chỉ làm từ vật liệu nhựa tái chế, mà còn bằng nhiều nguyên liệu bền vững khác.

Những bước đầu khó khăn

Việt Nam có rất nhiều rác thải nhựa (là một trong 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất thế giới ), nhưng việc tổ chức hệ thống thu gom rác để tái chế chưa bài bản. 

Vậy Re.socks tìm kiếm nguồn chai nhựa thế nào?

Việt Nam đang có nhiều khó khăn trong việc thu gom, tái chế nhựa khi không nhiều nhà máy tái chế đạt tiêu chuẩn và số lượng rác được phân loại còn ít. 

Là sản phẩm may mặc nên chúng mình cũng cần đảm bảo được các tiêu chuẩn tái chế cùng tiêu chuẩn bền vững nên thời gian đầu phần lớn nguyên liệu sợi nhựa cần phải nhập khẩu. 

Chúng mình mong muốn câu chuyện của Re.socks sẽ truyền cảm hứng tới người dân về việc phân loại rác, cũng như đạt mục tiêu 5 năm nữa có thể xây dựng một quy trình thu gom, tái chế và kéo sợi ngay tại Việt Nam.

Re.socks đã triển khai những chiến lược kinh doanh như thế nào cho giai đoạn khởi nghiệp? Dịch bệnh trong gần hai năm qua có ảnh hưởng đến lộ trình kinh doanh của team?

Thời gian đầu, Re.socks ký gửi hàng tại các cửa hàng bán sản phẩm thân thiện với môi trường ở cả ba miền. 

Chúng mình cũng sử dụng các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada, xây dựng website, qua đó thu nhận thông tin phản hồi và cải tiến các sản phẩm ra sau đó.

Trong thời gian kế tiếp, chúng mình hướng đến các cơ quan, nhà trường, các tổ chức để đưa sản phẩm tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa, ngoài những người vốn quan tâm đến môi trường.

Và đưa Re.socks thành một sản phẩm thương mại thực sự, được đón nhận từ nhiều nhóm khách hàng.

Tình hình Covid đang diễn ra rất phức tạp, chúng mình tạm dừng hoạt động truyền thông về sản phẩm qua các sự kiện offline, thay vào đó, phát triển các kênh online, dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, thiết kế những mẫu sản phẩm mới. 

Thời điểm Covid bùng lên này cũng giúp chúng mình gắn kết, chia sẻ và trao đổi với nhau nhiều hơn.

Hoạt động “Đổi chai nhựa lấy tất” của team Re.socks đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Hoạt động “Đổi chai nhựa lấy tất” của team Re.socks đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Theo team, đâu là những thử thách lớn nhất khi mở một thương hiệu bền vững ở Việt Nam?

Người dân chưa có nhiều sự quan tâm đến các vấn đề môi trường, thói quen phân loại rác chưa hình thành. 

Việc định giá sản phẩm làm sao phù hợp với số đông, để các bạn học sinh, sinh viên đều có thể sở hữu một đôi tất làm từ nhựa.

Rồi mẫu mã thiết kế thế nào để lồng ghép được những câu chuyện về tinh thần - văn hoá Việt, khơi dậy tình yêu dân tộc, mong muốn xây dựng phát triển đất nước từ những người trẻ. 

Vì Re.socks làm sản phẩm tái chế, chúng mình cần truyền thông đủ rộng để mọi người hiểu rằng rác không chỉ là đồ bỏ đi, sản phẩm sau khi tái chế không gây hại đến sức khoẻ người sử dụng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngoài thời trang.

Nỗ lực để thành công

Team thấy những đón nhận của khách hàng Việt với một local brand về thời trang bền vững như thế nào? 

Sau những chiến dịch truyền thông của các bạn và cả những đơn vị khác, có những tín hiệu hay điều gì thay đổi không?

Tính đến nay Re.socks đã hoạt động được 9 tháng. Khi biết sản phẩm được làm từ những chai nhựa tái chế, mọi người rất bất ngờ và háo hức. 

Khách hàng của Re.socks đến từ cộng đồng những người quan tâm về môi trường, các doanh nghiệp hay một số cửa hàng thời trang ở Mỹ, Anh, Úc. 

Chúng mình hướng đến các bạn trẻ trong độ tuổi 18-34.

Cho dù khách hàng hiện tại có thể chưa quan tâm vấn đề môi trường lắm, chúng mình thuyết phục họ bằng những cải thiện, chức năng hay không chỉ câu chuyện về tái chế, mà còn là tinh thần - văn hoá Việt trong các sản phẩm sắp tới.

Sau các hoạt động “Đổi chai nhựa lấy tất” được sự quan tâm từ các anh chị bên báo chí, cộng đồng biết đến Re.socks nhiều hơn.

Chúng mình cũng đón nhận nhiều phản hồi, và từ đó hoàn thiện cả về sản phẩm lẫn chiến lược marketing để câu chuyện về những đôi tất bền vững có những bước đi dài hơn.

Vớ là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu này và sắp tới những sản phẩm thời trang khác sẽ được ra mắt. Vớ là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu này và sắp tới những sản phẩm thời trang khác sẽ được ra mắt.

Theo Re.socks, làm sao để cân bằng giữa việc kinh doanh có lợi nhuận, tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ/thời trang mà vẫn đảm bảo những tiêu chí bền vững?

Re.socks không định hướng là một doanh nghiệp giải quyết vấn đề môi trường, mà xuất phát từ một doanh nghiệp thời trang có tác động tích cực đến môi trường. 

Vì thế, chúng mình tập trung vào mẫu mã, chức năng của sản phẩm, đón nhận phản hồi khách hàng để không ngừng cải thiện chất lượng. 

Đồng thời, năm nay, Re.socks đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường. 

Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, chúng mình luôn nỗ lực để có thể cân bằng việc kinh doanh với tính bền vững. 

Team có niềm tin lớn rằng sản phẩm tốt, thẩm mỹ đẹp và có tính bền vững sớm thôi sẽ được sự chào đón nhiều hơn nữa từ thị trường trong nước.

Và những bước chân xanh sẽ bền bỉ hơn trên hành trình kiến tạo một thế giới đáng sống khi chúng ta đồng hành cùng nhau.

Theo L'OFFICIEL Việt Nam