Theo dự đoán của Google, thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 240 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.
Chính vì vậy, rất có khả năng các nền tảng thương mại điện tử sẽ xuất hiện ngày một nhiều.
Để cạnh tranh trong thị trường này, các trang thương mại điện tử cần tìm cách để giữ chân người dùng và biến họ thành khách hàng trung thành của mình.
Thực tế, 'đốt tiền' vào mã giảm giá, ưu đãi hay mời người nổi tiếng về làm đại diện thương hiệu sẽ không phải giải pháp lâu dài. Thay vào đó, biến mình thành một phần quan trọng trong đời sống của người tiêu dùng sẽ là lựa chọn đúng đắn hơn cho thương hiệu.
Để làm được điều đó, nhiều trang thương mại điện tử đã áp dụng hình thức shoppertainment - nền tảng giải trí kết hợp mua sắm.
1. Shoppertainment là gì?
Khái niệm căn bản nhất của 'shoppertainment' là sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm. Mô hình này thực chất đã xuất hiện từ khá lâu tại các trung tâm thương mại, khu mua sắm, khu tích hợp,...
"Shoppertainment trong thương mại điện tử sẽ xóa đi ranh giới giữa bán hàng, giải trí và đời sống thường nhật của người tiêu dùng thông qua các trải nghiệm tương tác đầy sống động: livestream, hình ảnh, video và các trò chơi điện tử."
- Phóng viên Fiona Briggs từ tờ Retail Times cho biết.
2. Người tiêu dùng phản ứng với shoppertainment ra sao?
Trên thị trường tiêu dùng quốc tế, một khảo sát về shoppertainment tại Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh, Scotland, Wales và Ireland của Forrester Research cho thấy người tiêu dùng ngày càng hứng thú với nhiều phương thức mua sắm trực tuyến mới kể từ khi COVID-19 bùng phát.
Đặc biệt, khi đề cập đến shoppertainment, 70% người tiêu dùng được khảo sát bày tỏ sự quan tâm đến hình thức mua sắm trực tuyến mới này.
Theo khảo sát, gần một nửa số người tiêu dùng được khảo sát đã tăng số lượt tương tác với các tính năng shoppertainment nhờ COVID-19.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng có những phản ứng tích cực với hình thức mua sắm kết hợp giải trí online này.
Hoài An, một nhân viên văn phòng ngụ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mình thường xuyên "xả stress" bằng cách lang thang trên các sàn thương mại điện tử.
"Tôi bị 'cuốn' vào ứng dụng bởi hàng loạt chương trình săn mã giảm giá, các trò chơi tương tác đổi thưởng cũng như xem livestream từ những người nổi tiếng...", An nói.
Không chỉ riêng An, số đông khách hàng của ngành thương mại điện tử rất hứng thú với hình thức này. Theo báo cáo của iPrice Group dựa trên số liệu của SimilarWeb, mô hình shoppertainment đã giúp Lazada thu hút người dùng và tăng số lượt tương tác đáng kể.
Trong năm 2020, số lượng đơn hàng thành công thông qua kênh LazLive tăng 45 lần; số lượt khách hàng thường xuyên tương tác với LazGame mỗi ngày tăng hơn 2,5 lần; số lượt khách hàng thu thập xu LazCoin tăng hơn 2 lần, trong đó số lượng xu mỗi khách hàng thu thập cũng cao hơn 3 lần.
3. Các 'ông lớn' ngành thương mại điện tử chớp thời cơ
Theo đại diện Lazada Việt Nam, khách mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử có nhiều khác biệt với thị trường truyền thống.
"Họ đang tìm kiếm trải nghiệm nhiều hơn chỉ đơn thuần mua hàng. Bởi vậy, hãng đầu tư nhiều vào mảng tạo ra nền tảng nội dung giải trí cho khách hàng ngay trên ứng dụng".
Thành công của Laz Live - mô hình livestream do Lazada phát triển là một ví dụ. Tháng 4 năm 2020, kênh thu hút hơn 27 triệu người xem thường xuyên, đạt tỷ lệ chốt giao dịch cao.
"Chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái toàn diện và sôi động ở Đông Nam Á bằng cách đưa người bán, thương hiệu, người tiêu dùng, người có tầm ảnh hưởng (KOLs), thậm chí những cá nhân bình thường đến gần nhau hơn".
- Raymond Yang, Giám đốc sản phẩm Lazada cho biết.
Được biết, Lazada là nền tảng thương mại điện tử đầu tiên sở hữu mô hình shoppertainment tại Đông Nam Á. Ngày 26/3/2019, thương hiệu này đã tổ chức đêm đại nhạc hội “Siêu sinh nhật” trên nền tảng livestream của mình.
Còn đối với Shopee - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất và đông người dùng nhất Việt Nam, shoppertainment đã sớm được áp dụng dưới các tính năng sau:
- Shopee Live: Tính năng phát trực tiếp.
- Shopee Games: Các trò chơi điện tử. Một số trò chơi được ưa chuộng trên nền tảng này là bắn bóng, đập kẹo, nông trại,...
- Shopee Feed: Được mệnh danh là mạng xã hội của hệ sinh thái Shopee với các tính năng upload ảnh, story, gắn thẻ sản phẩm,...
- Shopee Live Chat: Chức năng trò chuyện cho phép người mua nói chuyện trực tiếp với người bán và tìm hiểu thêm thông tin trước và sau khi mua hàng.
Trên cả hai nền tảng thương mại điện tử Shopee và Lazada, các xu thưởng được thu thập từ các tính năng shoppertainment có thể được sử dụng như tiền thật để giảm giá cho đơn hàng, hoặc dùng để đổi lấy các mã giảm giá từ thương hiệu.
Tại Pháp, AliExpress lần đầu ra mắt tính năng livestream bán hàng vào tháng 5 năm 2020 và kể từ đó đã triển khai hơn 3.000 chương trình trực tiếp với sự tham gia của hơn 100 nhà bán hàng.
"Khách hàng cởi mở để đón nhận các xu hướng và công nghệ mới có thể nâng cao trải nghiệm mua sắm của họ. Đây là một cơ hội thương mại thực sự cho người kinh doanh nếu biết tận dụng xu hướng này một cách có chiến lược ”.
- Vita Chang, Trưởng bộ phận Tổ chức nội dung tại AliExpress nhận định.
Bích Hà