Vào khoảng đầu tháng 9 này, những người hâm mộ khoa học viễn tưởng, những người đang chờ đợi để xem bộ phim đình đám sắp tới Dune (tựa Việt: Hành Tinh Cát) đã trở nên phẫn nộ.
Khi tiếp thị "phản đòn đau" thông điệp bộ phim truyền tải
Là một phần của chiến dịch marketing cho phim Dune, Legendary Pictures đã hợp tác với Warner Bros. để phát hành một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc và tranh kỹ thuật số của bộ phim dưới định dạng NFT (Non-Fungible Token, tạm dịch: token không thể thay thế).
Một cách tổng quát, NFT là một loại mã thông báo mã hóa đặc biệt, đại diện cho các bộ sưu tập mặt hàng kỹ thuật số độc đáo.
Ví dụ, bức tranh Starry Night của Van Gogh là một tài sản Non-Fungible. Các tài sản NFT có giá trị vì tính quý hiếm của nó.
Nếu một người nợ bạn một bức tranh Starry Night, anh ta không thể đem tiền hay một bức tranh giống thế trả bạn được. Nó phải là bức tranh đó, do chính tay Van Gogh vẽ.
NFT là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. NFT được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng nhằm đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử.
Tính độc quyền này đã thúc đẩy nhu cầu cao với các sản phẩm NFT trong thế giới nghệ thuật, thể thao và giải trí.
Quay lại câu chuyện của phim Dune, người hâm mộ coi động thái tiếp thị này của Hollywood là "đạo đức giả", bởi quá trình sản xuất vật phẩm định dạng NFT gây phát thải một lượng lớn khí nhà kính.
Điều này trái ngược với thông điệp về bảo vệ môi trường trong cuốn tiểu thuyết gốc Dune (1965) của Frank Herbert.
Điều trớ trêu là, bản thân Dune đã đi sâu vào các chủ đề về chủ nghĩa môi trường đến mức được coi là nhà tiên phong về tiểu thuyết khí hậu.
Một phân cảnh trong trailer phim "Hành Tinh Cát".
Trong cuốn tiểu thuyết của Herbert, nơi cư dân của hành tinh Arrakis phải đối mặt với cảnh quan sa mạc khắc nghiệt và những cơn bão cát khổng lồ, một nhà sinh thái học tên Kynes bắt đầu biến Arrakis thành một thiên đường vườn tược tươi tốt.
Tuy nhiên, có một cái giá phải trả cho sự biến đổi đó, dẫn đến những câu hỏi về khả năng kiểm soát của con người đối với tự nhiên.
Vì vậy, khi Legendary quyết định phát hành NFT trên MakersPlace, nơi bán NFT được đào trên blockchain Etherum, những fan hâm mộ của "Hành Tinh Cát" đã quyết liệt chống lại chiến dịch tiếp thị nói trên.
Giống như Bitcoin, Ethereum được xây dựng trên một hệ thống gọi là “proof of work”, nơi mọi người phải giải các câu đố phức tạp để thêm các khối mới của các giao dịch đã xác minh vào blockchain.
Điều này tạo ra một hệ thống an toàn hơn, nhưng nó cũng đòi hỏi tiêu hao một lượng lớn năng lượng máy tính.
Theo The Verge, Ethereum “sử dụng lượng điện nhiều như toàn bộ đất nước Libya” (các ước tính khác thích so sánh với Cộng hòa Séc, Đan Mạch và Oman).
Tệ hơn, phản ứng dữ dội chống lại việc tiêu hao quá nhiều năng lượng của Ethereum đã khiến ít nhất một nền tảng kỹ thuật số, ArtStation, hủy bỏ quan hệ đối tác giữa NFT với blockchain.
Phản ứng gay gắt từ cộng đồng hâm mộ "Hành Tinh Cát"
Theo nhiều người hâm mộ, rõ ràng là không có sự cân nhắc nào đằng sau quyết định phát hành NFT của Dune.
Ngay sau khi Legendary đưa ra thông báo, Twitter đã nóng lên khi những fan hâm mộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bày tỏ sự không hài lòng.
Daniel Orrett, tác giả của loạt web khoa học viễn tưởng The Sojourn, đã viết: “Lựa chọn tiếp thị táo bạo“.
Người dùng Twitter Simon McNeil đã cân nhắc: “Dune NFT là một lựa chọn tồi đến mức tôi không biết phải nói gì”.
Và sau đó là người hâm mộ Andy O’Brien: “Này Legendary, 1-Hãy đọc và hiểu câu chuyện của Dune, 2-Đọc và hiểu toàn bộ câu chuyện, và 3-Đừng làm những thứ NFT vớ vẩn này".
Lời thông báo trên Twitter của Legendary đã làm "nóng" người hâm mộ.
Trước làn sóng phản đối dữ dội, Legendary đã cố gắng khắc phục "mớ bòng bong" bằng cách nói rằng họ sẽ mua bù đắp cho Dune NFT, hay là các khoản tín dụng dành cho các dự án cắt giảm khí thải nhà kính.
Legendary đã tweet: “Chúng tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng Bộ sưu tập "Future Artifacts" của Dune sẽ được bù đắp bằng cách sử dụng Aerial, một nền tảng bền vững tính toán lượng khí thải carbon dựa trên việc sử dụng năng lượng liên quan".
Động thái này được những fan hâm mộ Dune cho rằng là một nỗ lực "không mấy ấn tượng" để cứu lấy thể diện. Bởi “Không có cái gọi là NFT bền vững”, tác giả truyện tranh Zac Thompson khẳng định.
Bài học cho các nhà tiếp thị: Hãy chọn lọc khi chạy theo xu hướng mới
Sự phẫn nộ của dư luận đã nhấn mạnh cách việc bắt sóng các xu hướng đôi khi có thể gây ra phản ứng trái chiều khủng khiếp.
Durex là một thương hiệu rất nổi tiếng trong việc bắt trend và dẫn đầu nhiều trào lưu, tuy nhiên, các thương hiệu khác có thể áp dụng khéo léo những 'trend' này trong thông điệp truyền thông của mình không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Đó là bài học mà Hollywood cần lưu ý khi họ lao đầu vào cơn sốt NFT, coi gần như tất cả những bộ phim phát hành đều là cơ hội để tạo ra các bộ sưu tập sản phẩm kỹ thuật số.
Ngay sau khi câu chuyện này được đăng tải, Legendary đã đăng tải tuyên bố: “Niềm đam mê và trọng tâm của Legendary là mang sự kiện điện ảnh hoành tráng Dune đến khán giả.
Tất cả những gì nằm ngoài sứ mệnh đó đều không xứng đáng để đánh đổi với công sức của hàng trăm nhà làm phim và dàn diễn viên tham gia dự án.
Vì vậy, chúng tôi đã quyết định tạm dừng chương trình Dune NFT và mong sớm gặp lại các bạn tại rạp!".
Các mặt hàng NFT "ngớ ngẩn" này đã khiến Hollywood đảo lộn trong những tháng gần đây, khi các hãng phim, đại lý và công ty phát trực tuyến đã nảy sinh ý tưởng mở ra một kiểu tiếp thị hay dòng doanh thu mới.
Warner Bros., công ty sẽ phát hành Dune tại các rạp chiếu phim và trên HBO Max vào tháng tới sau sự chậm trễ do dịch COVID-19, đã nhảy vào lĩnh vực kinh doanh khi tạo ra các bộ sưu tập blockchain xung quanh sự kiện đình đám mùa hè "Space Jam: A New Legacy".
Tựa Việt bộ phim là "Space Jam: Kỷ Nguyên Mới".
Bộ sưu tập đó thông qua Nifty’s, một thị trường tiền điện tử tự nhận thân thiện với môi trường vì nó sử dụng các mạng blockchain thay thế có lượng khí thải carbon ít hơn.
Bên cạnh đó, Legendary cũng đã phát hành các NFT gắn liền với phim "Godzilla vs Kong" trên nền tảng thực tế ảo Terra Virtua.
Bảo Thạch - Trends Việt Nam biên dịch từ bài gốc trên Fast Company