Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc của VinaCapital vừa có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư về trọng tâm và chiến lược đầu tư của VinaCapital tại Việt Nam.
Sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư và tiềm năng của thị trường sau đại dịch?
Có thể khẳng định rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong thời gian qua, ngay cả trong giai đoạn đối diện với đại dịch, và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường năng động và hấp dẫn nhất thế giới trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong ba tháng vừa qua, tôi đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư ở Châu Âu và Bắc Mỹ và đó là điều được họ xác nhận trong các cuộc trao đổi.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt xấp xỉ 24 tỷ USD, cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp diễn biến phức tạp của COVID-19 trên toàn thế giới.
Đây là minh chứng thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư ngoại đối với triển vọng tăng trưởng và phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Trước đại dịch, Việt Nam phát triển nhanh chóng nhờ lợi thế về quy mô dân số, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, chi phí lao động thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định và thể chế chính trị vững chắc.
Sau nhiều tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch, Việt Nam được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi vào cuối năm và sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo đó, hầu hết các lĩnh vực sẽ tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn, tuy nhiên sẽ có một số lĩnh vực hồi phục mạnh mẽ hơn, bao gồm:
Bất động sản công nghiệp, năng lượng, du lịch và khách sạn. "Chúng tôi dự báo sẽ có ít nhất 100 tỷ USD được đầu tư để mở rộng công suất phát điện tại Việt Nam chỉ trong một thập kỷ tiếp theo" - Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ.
Giai đoạn hậu COVID-19 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản khu công nghiệp để đón đầu xu hướng dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia, trong đó Việt Nam là điểm đến được ưa thích.
Ngành năng lượng cũng sẽ thu hút vốn đáng kể dựa trên kế hoạch mở rộng công suất phát điện của Việt Nam trong 20 năm tới, tập trung vào các nguồn năng lượng sạch hơn.
Du lịch và khách sạn, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, sẽ là ngành bật tăng mạnh mẽ nhất sau khi các lệnh hạn chế di chuyển được nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi từ đầu năm 2022 và chắc chắn Việt Nam vẫn là điểm đến được du khách nước ngoài ưa chuộng.
VinaCapital hiện đang tập trung vào những lĩnh vực nào và chiến lược phát triển trong tương lai sẽ ra sao, thưa ông?
VinaCapital có chuyên môn sâu rộng về đa dạng các loại hình tài sản bao gồm các thị trường vốn, đầu tư công ty tư nhân, bất động sản, đầu tư mạo hiểm và trái phiếu.
Chúng tôi tìm kiếm, đánh giá các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và nhu cầu của các nhà đầu tư, dựa trên kết quả nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và am hiểu thị trường.
Hiện tại, đối với các khoản đầu tư vào công ty cổ phần tư nhân và các công ty niêm yết, chúng tôi ưu tiên các lĩnh vực phục vụ cho quy mô dân số lớn như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Đối với các khoản đầu tư mạo hiểm chúng tôi tập trung vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang phát triển các dự án dân cư, khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng.
Năng lượng cũng đang là một trong những trọng tâm đầu tư của Tập đoàn vì đây là lĩnh vực có thể đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Như ông chia sẻ, năng lượng sẽ là một trong những mũi nhọn đầu tư của VinaCapital trong thời gian tới, vậy mục tiêu của công ty trong lĩnh vực này là gì?
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, theo đó năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chúng tôi cho rằng công nghệ chính là chìa khóa giúp giải quyết được vấn đề quan trọng nhất của ngành công nghiệp này: đáp ứng được nguồn cung mà vẫn bảo đảm thực hiện được cam kết về môi trường, theo đó, VinaCapital mong muốn được góp phần vào quá trình phát triển của năng lượng sạch và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Bên cạnh các dự án hiện tại như nhà máy điện LNG công suất 3.000MW tại tỉnh Long An do VinaCapital GS Energy làm chủ đầu tư và lĩnh vực điện mặt trời áp mái do SkyX đảm trách vừa nhận được khoản đầu tư chiến lược từ EDF Renewables.
Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu xu hướng trên thế giới nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ sáng tạo có thể áp dụng tại Việt Nam như pin lưu trữ và lưới điện thông minh đồng thời tích cực theo dõi sự phát triển của các nguồn năng lượng mới như nhà máy điện sinh khối, lò phản ứng mô-đun nhỏ và điện hydro.
Ngoài năng lượng, lĩnh vực nào liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng đang được VinaCapital cũng như các nhà đầu tư tư nhân quan tâm?
Một số nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển và đường cao tốc, đây là những dự án quan trọng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế liên tục, bền vững của Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất phức tạp và đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao và Chính phủ khó có thể tài trợ hoàn toàn cho tất cả các dự án mà cần có sự đồng hành của khu vực tư nhân.
Để kêu gọi nguồn lực từ khối tư nhân sẽ cần rất nhiều cải cách trong các quy định liên quan đến hình thức đối tác công tư (public-private partnership) so với hiện tại.
Nếu nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách, cơ chế của Chính phủ, tôi tin rằng việc hiện đại hóa và phát triển hạ tầng của Việt Nam sẽ nhận được sự tham gia của các rất nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước có nền tảng tài chính mạnh lẫn kinh nghiệm và chuyên môn cao trong lĩnh vực này.
Nguồn: Báo Đầu Tư