Xu hướng mua sắm đa kênh trở nên thịnh hành trong điều kiện “sống chung với COVID-19”
Thống kê của Vietnam Report về hành vi mua sắm của người Việt trong giai đoạn mới, hành vi tiêu dùng của người dân đã thay đổi đáng kể.
Đáng chú ý là xu hướng mua bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp.
Trước đây, người dân sẽ lựa chọn kênh mua sắm theo thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị rồi mới đến cửa hàng tiện lợi.
Nhưng khi COVID-19 diễn ra, kênh mua sắm online được ưu tiên hơn cả.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người tiêu dùng (NTD) mong đợi sự thuận tiện trong tiêu dùng ngay từ việc tiếp cận sản phẩm.
Trong thời điểm dịch bệnh, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản phẩm nào có sẵn, thuận tiện trong tiếp cận sản phẩm được NTD ưu tiên chọn lựa.
Các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ NTD và không còn là yếu tố mang tính quyết định.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng - phụ trách điều tra bình chọn HVNCLC, mua sắm đa kênh vẫn là xu hướng thịnh hành hiện nay.
Trong đó, siêu thị là nơi được NTD thích chọn mua thực phẩm, đồ uống. Kế đến là đại lý, cửa hàng tạp hóa bán giá sỉ, cửa hàng tiện lợi.
Cụ thể với hàng thực phẩm: có 76% DNT chọn siêu thị; 58% chọn đại lý, cửa hàng bán sỉ; 55% chọn cửa hàng tiện lợi; 46% chọn cửa hàng tạp hóa; 41% chọn chợ truyền thống,v.v.
Một số dịch vụ đặt hàng trên điện thoại, qua hotline, các ứng dụng bán hàng trên di động cũng nở rộ.
Người dùng đa dạng hóa kênh mua sắm thay vì chỉ phụ thuộc vào các phương thức giao dịch truyền thống.
Một số nền tảng bán hàng trực tuyến như Tiki, Lazada, Shopee, v.v. ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Theo dự đoán của Google, TMĐT Việt Nam đến năm 2025 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng 34% - cao nhất khu vực.
Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là thời gian phát triển nhanh của thương mại đa kênh với mức tăng trưởng 29% và năm 2025 quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD.
Đặc điểm tiêu dùng trong xu hướng mua sắm đa kênh
Chân dung NTD đa kênh
Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng internet, thương mại điện tử cộng trong thời gian dịch bệnh kéo dài, tiêu dùng đa kênh đang bùng nổ ở nhiều khu vực, và với nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau.
Hành vi mua hàng của người tiêu dùng ở các thành phố lớn là thông qua Omnichannel (mô hình bán hàng đa kênh), nhưng chủ yếu nhất vẫn là tìm kiếm thông tin online và mua hàng offline.
Theo số liệu được Google ghi nhận vào quý 1/2021, hành vi mua sắm đa kênh được biểu hiện với 83% tìm kiếm thông tin online và 75% mua hàng offline.
Không chỉ những người ở những thành phố lớn như TP.HCM, HN mà cả những người dân địa phương tại các tỉnh đang quen dần với việc mua sắm đa kênh.
Theo số liệu của nền tảng mua sắm Haravan, riêng trong quý 1/2021 lượng đơn hàng online đã tăng 70% so với 2020 từ những khách hàng các tỉnh thành khác.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người mua hàng online trên điện thoại là chính yếu, đặc biệt thông qua qua các mạng xã hội.
Ví dụ như có đến 78% đơn hàng từ Facebook là diễn ra trên Mobile. (số liệu từ quý 1/2021)
Giỏ hàng thương mại điện tử của NTD đa kênh hiện nay
Mua sắm trực tuyến đã và đang thay đổi tâm lý, thói quen mua sắm của NTD.
Người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm thành các nhóm thiết yếu và không thiết yếu.
“Giỏ hàng” thương mại điện tử trong xu hướng mua sắm này có sự chuyển dịch khá rõ nét sang các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh.
Trong khi đó, các sản phẩm liên quan thời trang - thể thao, du lịch - giải trí… lại giảm.
Đại diện nhiều siêu thị tại Đồng Nai cho biết, trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng đã có nhiều sự chuyển biến cả ở các kênh bán hàng truyền thống lẫn đặt hàng trực tuyến.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, lượng tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như: mì gói, thực phẩm đóng hộp, sữa, các loại khẩu trang, nước sát khuẩn, sản phẩm vệ sinh… tăng cao.
Đây là các mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp trong nước có thế mạnh, các sản phẩm hàng Việt chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng.
Ngoài ra, với tâm lý bị hạn chế ra ngoài trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, giỏ hàng thời dịch cũng trở lên “lớn hơn” cho một lần mua.
Tức là thay vì mua nhỏ lẻ thì thời gian gần đây, người tiêu dùng đã chú ý nhiều hơn đến việc mua hàng theo dạng combo, mua các mặt hàng có số lượng, dung tích lớn để dự trữ.