Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh ngày càng được coi trọng

Sống xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây được coi là bước triển khai thực tiễn và quan trọng của khái niệm tiêu dùng bền vững, nhằm giảm tác động của xã hội đối với môi trường.

Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.

null
Người tiêu dùng có ý thức “tiêu dùng xanh'' để bảo vệ môi trường.

Nó xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống cho con người.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

null
Khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh thu nhập người dân ngày một khả dụng, tỷ lệ dân số trẻ cao, tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng thông minh và hướng tới lối sống xanh, lành mạnh thông qua việc lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu sạch.

Người tiêu dùng phần lớn lưu tâm đến sản phẩm bền vững hơn, sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường và hướng tới xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh.

Thay đổi tích cực từ những hành động nhỏ

Như một tín hiệu đáng mừng, các hoạt động “tiêu dùng xanh” gần đây được cả xã hội quan tâm và cùng nhau hành động, lan tỏa tinh thần sống tích cực vì môi trường.

Đầu tiên là xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải. Nhiều bạn trẻ đã sử dụng bình, cốc tái sử dụng khi đến các quán cà phê, trà sữa.

null
Các bạn trẻ dần thay đổi thói quen tiêu dùng.

Hẹn bạn đi uống cà phê, Hồng Nhung (làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại quận 1, TP.HCM) không quên mang theo ly giữ nhiệt riêng.

“Ngoài việc giảm dùng đồ nhựa, nó còn giúp giữ đồ uống được nóng, lạnh rất lâu”, cô chia sẻ.

Hồng Nhung cho biết, cô nghĩ đến việc sử dụng các dụng cụ ăn uống riêng xuất phát từ nhu cầu bảo vệ sức khỏe bản thân, sau đó giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Tiếp đó là xu hướng thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, ống hút tre, ống hút inox, thói quen sử dụng túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải.

null
Nhiều quán cà phê cũng chủ động thay đổi thành ống hút inox.

Thùy Ngân (kinh doanh tự do, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu từ những thay đổi đơn giản: mang theo túi vải, cà mên, bình đựng, ống hút inox... khi mua đồ.

“Em tự nhắc bản thân phải lựa chọn cách sống gần gũi, thân thiện với thiên nhiên nhiều nhất có thể”, Thùy Ngân chia sẻ.

Theo Thơm Đặng, người sáng lập Gen Xanh, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, khi xây dựng cộng đồng này, cô khuyến khích mọi người thay đổi từ những thói quen nhỏ trong cuộc sống.

null
Tổ chức “Gen xanh” hy vọng khơi dậy 'gen' sống xanh trong mỗi người.

Cô cho biết: “Mọi người có thể từ chối ống hút nhựa, bao ni lông, mang theo đồ dùng cá nhân, ưu tiên ăn uống tại chỗ thay vì mua mang về”.

Cần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp “sống xanh”

Truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường qua những bức ảnh, trồng cây xanh, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa…, bằng nhiều cách làm khác nhau, những người trẻ đang góp phần lan tỏa thông điệp “sống xanh”.

Nhiều sự kiện đa dạng đã được tổ chức: trao rác nhận quà, workshop giáo dục về môi trường dành cho trẻ em, tổ chức ngày hội sống xanh, phiên chợ xanh, talkshow - sự kiện về môi trường...

“Sống xanh mỗi ngày” là thông điệp mà Green Fair mong muốn lan tỏa được tới mọi người, đặc biệt là tới thế hệ trẻ.

Và để lan tỏa được thông điệp ý nghĩa đó, Green Fair - dự án thuộc tổ chức KIBV (Keep It Beautiful Vietnam) đã chính thức tổ chức hội chợ xanh Green Fair 2022, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

null
Giới trẻ Hà Nội hào hứng lan tỏa thông điệp "Sống xanh mỗi ngày" tại hội chợ Green Fair.

Hoặc vào ngày 14-8, Gen Xanh tổ chức ngày hội đổi rác và phiên chợ xanh tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (302 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP.HCM).

Các loại quần áo, thiết bị điện tử cũ, vỏ hộp sữa đã làm sạch, bao ni lông, pin tiểu... được đổi sang ống hút gạo, cây xanh, túi vải, tinh dầu...

Có thể thấy, hiện nay sống xanh đang là xu hướng chứ không còn là phong trào.

Từ đời thường, nhiều cách thực hành sống xanh được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội.

Rất nhiều bài chia sẻ thú vị về phương pháp 4T: từ chối, tiết giảm, tái sử dụng và tái chế.

Thậm chí, có những thử thách hay phát động phong trào hạn chế rác thải, đồ nhựa dùng một lần được tổ chức sôi nổi.

Chiến dịch "Nối tiếp vòng lon nhôm, đáp tiếng lòng Trái Đất" đã được khởi xướng bởi Bộ Tài nguyên - môi trường cùng sự hợp tác của Công ty TNHH Lon Nước Giải Khát TBC-Ball Việt Nam.

null
Chiến dịch kêu gọi cộng đồng sử dụng, tái chế lon nhôm bảo vệ môi trường.

Từ mạng xã hội, thử thách "Chuyền lon nhôm" lan tỏa những thông điệp tích cực tới cuộc đời thực, giúp cộng đồng hiểu hơn về vai trò và lợi ích của việc lựa chọn - tái chế lon nhôm.

Rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được lan tỏa, cho thấy “sống xanh” không còn là xu hướng mà đã trở thành thói quen, hành động của nhiều người trong công việc và cuộc sống.

Vì thế, các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời, đồ tái chế... đang được nhiều người lựa chọn và coi đó là “lựa chọn xanh” để bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.