Thị trường AgriTech hiện tại - Nông nghiệp thông minh đang phát triển mạnh mẽ
Khi dân số thế giới tiếp tục tăng và dân số loài người ngày càng đô thị hóa, nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng.
Điều này đã dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng công nghệ nông nghiệp và đổi mới để đáp ứng nhu cầu này.
Trên thực tế, thị trường AgriTech đang bùng nổ và không có dấu hiệu chậm lại.
Theo một báo cáo của Precedence Research, vào năm 2021, thị trường nông nghiệp thông minh được định giá 18,12 tỷ USD.
Thị trường này được dự đoán sẽ đạt 43,37 tỷ USD vào năm 2030.
Năm nay, các chuyên gia cho rằng đầu tư vào AgriTech sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều đổi mới sáng tạo.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ có những công nghệ mới được giới thiệu để giúp nông dân sử dụng thời gian và nguồn lực hiệu quả hơn.
Đồng thời, nông nghiệp thông minh còn được kỳ vọng sẽ mở rộng những gì có thể trồng trọt trong nhà và thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các trường đại học.
Tổng hợp các xu hướng chính - 3 xu hướng AgriTech sẽ bùng nổ năm 2023
Theo Forbes, sau đây là 3 xu hướng được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2023:
- Mở rộng các danh mục sản phẩm nông nghiệp được phát triển trong môi trường có kiểm soát;
- Các trường cao đẳng, đại học sẽ chú trọng hơn vào các ngành Nông nghiệp;
- Sự xuất hiện phổ biến của các trang trại thẳng đứng tự động.
1. Mở rộng các danh mục sản phẩm nông nghiệp được phát triển trong môi trường có kiểm soát - Mô hình nông nghiệp CEA
Nông nghiệp trong môi trường có kiểm soát (Controlled Environment Agriculture, viết tắt là CEA) - bao gồm nông nghiệp trong nhà và canh tác thẳng đứng.
Đây là một cách tiếp cận dựa trên công nghệ hướng tới sản xuất lương thực.
Theo đó, CEA sử dụng một công nghệ trồng trọt tiên tiến, kết hợp giữa kỹ thuật, khoa học cây trồng và những công nghệ quản lý dựa trên máy tính nhằm tối ưu hóa các hệ thống canh tác, chất lượng cây trồng cũng như hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, theo Trường Đại học Cornell:
“Đây là một hình thức nông nghiệp dựa trên thủy canh tiên tiến và chuyên sâu, nơi thực vật phát triển trong môi trường được kiểm soát để tối ưu hóa các hoạt động làm vườn”.
CEA cho phép nhà nông điều chỉnh các yếu tố môi trường theo ý muốn, bao gồm nhiệt độ, ẩm độ, độ pH và hàm lượng dinh dưỡng trong đất.
Mô hình trồng trọt này cho phép chuyển đổi các nhà máy, nhà kho, tòa nhà bị bỏ hoang thành các trang trại hữu dụng.
CEA nhằm mục đích bắt chước các điều kiện lý tưởng để trồng cây trong khu vực ở bất cứ đâu.
Ví dụ:
Nếu ai đó ở Tennessee muốn trồng đào Palisade, họ có thể sử dụng trang trại trong nhà để bắt chước những ngày hè đầy nắng và những đêm mát mẻ của Colorado.
Về ưu điểm, chỉ riêng độ tươi và thời gian vận chuyển giảm có thể thúc đẩy sự gia tăng số lượng và chủng loại cây trồng được trồng theo cách này.
Hiện tại, các hệ thống CEA được dùng để sản xuất các loại rau quả phổ biến trong bữa ăn, gồm:
Thảo mộc, rau diếp, rau mầm, cà chua, quả mọng và hoa.
Đơn cử, Houweling’s Tomatoes – nông trại đô thị đầu tiên tại tiểu bang California – đang sản xuất và phân phối số lượng lớn cà chua và dưa leo trồng theo phương pháp thủy canh tích hợp sinh học, với tổng diện tích hơn 50 ha.
Với những ưu điểm đó, các chuyên gia dự đoán rằng sẽ có sự mở rộng của các loại sản phẩm được phát triển trong môi trường CEA vào năm 2023.
Một phần nữa là do các vấn đề về chuỗi cung ứng đang diễn ra và những thách thức liên quan như chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao.
2. Các trường cao đẳng, đại học sẽ chú trọng hơn vào các ngành Nông nghiệp - Xu hướng điển hình tại Mỹ
Vào năm 2023, các chuyên gia cũng dự đoán các trường cao đẳng và đại học sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho nghiên cứu nông nghiệp.
Ví dụ:
- Đại học California tại Davis đã nhận được khoản tài trợ 50 triệu đô la vào năm 2022 để xây dựng một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp.
- Một ví dụ khác là từ Nationwide, hứa hẹn cấp 2 triệu đô la ban đầu để thành lập Trung tâm Đổi mới Công nghệ Nông nghiệp tại Đại học Bang Ohio.
- Trường Cao đẳng Khoa học Nông nghiệp và Đời sống tại Đại học Idaho sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 55 triệu đô la từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để giúp nông dân Idaho giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
- Đại học Harrisburg cũng đã công bố khoản đóng góp trị giá một triệu đô la để giúp tài trợ cho Trung tâm Nông nghiệp Tiên tiến và Bền vững rộng 23.000 mét vuông, tập trung vào nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Có thể thấy, đất nước này đang có những bước tiến đầu tư cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
3. Sự xuất hiện phổ biến của các trang trại thẳng đứng tự động - Đi kèm nhiều thách thức tiềm ẩn
Vào năm 2023, các chuyên gia tin rằng các trang trại thẳng đứng có thể trở nên tự động hóa hơn.
Công nghệ và tự động hóa, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, có thể giúp hỗ trợ duy trì kết quả ổn định của cây trồng với sản lượng có thể dự đoán được mà không gặp các vấn đề có thể do lỗi của con người và chi phí lao động phát sinh như các phương pháp canh tác truyền thống.
Tất nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là sự đổi mới này sẽ đi kèm với những thách thức tiềm ẩn và nhu cầu bổ sung, chẳng hạn như:
- Chi phí thiết bị trả trước cao hơn;
- Đào tạo công nhân về cách sử dụng công nghệ.
Theo đó, các hoạt động đầu tư vào công nghệ mới sẽ cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động cũng như cần đầu tư nhiều hơn về chi phí.
Lời kết
Với tình hình kinh tế không chắc chắn hiện nay, quy trình đầu tư có thể bị chậm lại, nhưng tin tốt là nông nghiệp là một ngành “cần phải có” vì ngành này “nuôi sống” cả thế giới.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thì có thể nói AgriTech sẽ có thể đột phá và tiềm năng phát triển rất cao.
Các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nông nghiệp nên hành động và cập nhật thông tin bằng cách nghiên cứu các xu hướng để xem điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Việc áp dụng một tư duy cởi mở cũng sẽ giúp các chuyên gia nông nghiệp khai thác tiềm năng của các xu hướng sắp tới.
Lược dịch từ bài viết của Forbes.