Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

10 năm gần đây, các thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người.

Thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Vậy nên chính phủ đang thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Tăng trưởng xanh là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Các thành phần của tăng trưởng xanh gồm có:

  • Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
  • Xanh hóa sản xuất
  • Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh

Giảm lượng khí thải nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Có nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gồm CO2, CH4, CFC, SO2, hơi nước…

Các khí nhà kính có tác dụng giữ lại nhiệt của mặt trời.

Nếu khí nhà kính tồn tại vừa phải thì nhiệt độ Trái Đất không quá lạnh nhưng nếu có quá nhiều trong khí quyển chúng sẽ làm Trái Đất nóng lên.

Hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu lâu dần dẫn đến biến đổi khí hậu trong các thập kỷ.

Hiệu ứng nhà kính gây nên hiện tượng trái đất nóng lên toàn cầu.
Hiệu ứng nhà kính gây nên hiện tượng trái đất nóng lên toàn cầu.

Đó là lý do cần phải giảm lượng khí thải nhà kính và tích cực sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Nước ta đang xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Cụ thể trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ nông lộ phơi rút ngắn thời gian ngập nước trên ruộng lúa sẽ giúp giảm phát thải khí mê tan.

Ngoài ra còn đầu tư công trình khí sinh học nhằm xử lý chất thải chăn nuôi đồng thời sử dụng triệt để khí mê tan phục vụ cho đun nấu, phát điện.

Dự án khí sinh học xử lý rác chăn nuôi và hạn chế khí thải.
Dự án khí sinh học xử lý rác chăn nuôi và hạn chế khí thải.

Trong công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường để giảm phát thải khí nhà kính trong các khu, cụm công nghiệp

Bên cạnh đó là dừng triển khai các dự án phát thải lớn như nhiệt điện; đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện.

Về năng lượng tái tạo, Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án có thể kể đến như:

Dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện ở các tỉnh Nam Trung Bộ; các dự án năng lượng gió với nhiều nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Dự án điện gió đem lại kỳ vọng về năng lượng tái tạo cho Việt Nam.
Dự án điện gió đem lại kỳ vọng về năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Các dự án năng lượng sinh khối như:

Nhà máy điện sinh học tại Phú Thọ, nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại Bình Phước, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại Cần Thơ.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính.

Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch

Sản xuất là hoạt động chính vận hành nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất tạo ra lượng rác thải lớn sẽ gây nguy hại tới môi trường.

Do đó cần phải tích cực ứng dụng xanh hóa sản xuất vừa đảm bảo phát triển kinh tế lại bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng cũng có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh.

Nhiều chương trình đã được ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Đó là:

Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như: rau quả, chè, lúa, cà phê); các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa, cho các loại cây trồng cạn.

Về công nghiệp, ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”.

Xanh hóa sản xuất là thành phần của tăng trưởng xanh.
Xanh hóa sản xuất là thành phần của tăng trưởng xanh.

Với mục tiêu sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Qua 10 năm triển khai, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch, tăng 20,5% so với năm 2010.

Tỷ lệ cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn là 46,9%, tăng 35,9% so với năm 2010.

Ngoài việc nâng cao hiệu quả, xanh hóa sản xuất còn là giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và đưa ngành công nghiệp phát triển bền vững.

Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh và thân thiện với thiên nhiên

Có nhiều yếu tố gây tác động trực tiếp cũng như gián tiếp dẫn đến các quyết định tiêu dùng.

Trong đó, văn hóa tiêu dùng được coi là yếu tố then chốt và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định tiêu dùng sản phẩm.

Vậy nên hình thành văn hóa tiêu dùng xanh, sạch, thân thiện với môi trường góp phần vào tăng trưởng xanh.

Nhiều phong trào nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng xanh được thực hiện.

Có thể kể đến chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” được phát động bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nestlé MILO là một trong những doanh nghiệp đi đầu hưởng ứng chiến dịch này.

Nestlé MILO hưởng ứng chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” được phát động bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nestlé MILO hưởng ứng chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” được phát động bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đây là nỗ lực góp phần vào chiến lược giảm rác thải nhựa của Việt Nam.

Song song với đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn trách nhiệm hơn với môi trường.

Xu hướng tiêu dùng xanh cũng kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.

Một số cái tên lớn có thể kể đến như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm,…

Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa, túi giấy thay vì sử dụng túi nylon.

Các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy hạn chế sử dụng.

Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte Mart thời gian qua cũng chung tay, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa.

Bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…

Lá chuối được dùng để gói rau củ thay túi nylon.
Lá chuối được dùng để gói rau củ thay túi nylon.

Qua đó thấy rằng, các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh của chúng ta thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Để hướng tới tăng trưởng xanh cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.