Một tòa án ở Hà Nội gần đây phải thụ lý vụ án ly hôn chia tài sản chung giữa hai vợ chồng và trong tài sản chung có tiền bitcoin là một minh chứng.

Tiền kỹ thuật số ngày càng được quan tâm nhiều

Tại Hội thảo “Phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 22/10, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, cần làm rõ khái niệm tiền điện tử và tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số.

Trong đó, tiền điện tử là đồng tiền chính thống của một quốc gia, chẳng qua là dưới hình thức điện tử. Với Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã tạo ra giá trị đồng tiền này trong nhiều năm vừa qua kể từ khi có thanh toán điện tử.

Còn tiền kỹ thuật số có 2 loại chính là tiền kỹ thuật số không chính thống và tiền kỹ thuật số chính thống.

Trong đó, tiền không chính thống do một nhóm người tạo ra như bitcoin... và hiện nay về cơ bản chỉ một số nước công nhận loại này.

Loại chính thống chủ yếu do ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước tạo ra, phát hành. Đã có hàng chục quốc gia phát hành đồng tiền này.

null

"Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ cần phân rõ 2 loại đồng tiền này. Đối với đồng tiền kỹ thuật số không chính thống, tùy thuộc vào quyết định của mỗi nhà đầu tư. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm khuyến cáo là nó rất rủi ro.

Với đồng tiền kỹ thuật số chính thống do NHTW nghiên cứu và phát hành, chúng tôi đề nghị Chính phủ thúc đẩy. Bởi vì rất nhiều quốc gia đã và đang tiếp cận.

Trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2030, Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN lập một nhóm nghiên cứu về mô hình này. Tôi có đề xuất với NHNN cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này", TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, đổi mới sáng tạo, tiền kỹ thuật số, tài chính số thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

Việt Nam rất quan tâm đến đầu tư, mua đi bán lại và dịch bệnh COVID-19 càng là chất xúc tác cho người ta quan tâm nhiều hơn nữa vào đầu tư tiền kỹ thuật số.

Điều chỉnh trong giao dịch cụ thể

TS. Chu Thị Hoa cho rằng, trong lúc chúng ta băn khoăn nó là tiền ảo hay tài sản, thì thực tế đã có nhiều giao dịch. Ví dụ gần đây có vụ án ly hôn chia tài sản chung giữa hai vợ chồng, một tòa án ở Hà Nội đã phải thụ lý và trong tài sản chung đó có tiền bitcoin.

null

"Vậy mà giờ mà còn ngồi nghĩ tiền ảo là tài sản hay tiền và có chia hay không. Nếu không thừa nhận là tài sản để chia thì sẽ ảnh hưởng đến quyền của người dân", bà Hoa nêu.

Dưới góc nhìn của chuyên gia này, chuyện chúng ta cứ băn khoăn tiền ảo là tiền hay tài sản đôi khi không cần thiết lắm.

Bà Hoa chia sẻ, năm 2017, trong một chuyến công tác và làm việc với 1 cơ quan tài chính tiền tệ của Singapore, bà có hỏi họ về việc có nên thừa nhận đồng tiền ảo là tài sản hay không?

Singapore coi tiền ảo là tiền hay tài sản theo pháp luật nước này? Nếu là tiền thì phải có giá trị thanh toán.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại khuyến cáo không được phép thanh toán bằng tiền ảo, tiền mã hóa.

Chuyên gia của Singapore nói rằng không có một văn bản nào của Singapore nói nó là cái gì mà chỉ trong giao dịch cụ thể họ mới điều chỉnh.

"Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận rất mới khi làm chính sách. Đến giờ Singapore chưa có văn bản nào nói tiền mã hóa là tài sản hay là loại tiền không quan trọng nhưng họ đã có vài sandbox, và sandbox cập nhật liên tục. Năm 2016, Singapore ban hành cơ chế sandbox. Từ năm 2017 sửa đổi và cập nhật liên tục đến nay. Tôi cho rằng, làm chính sách không nên cứng nhắc quá", bà Hoa nêu.

Đồng quan điểm với bà Hoa, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, các nước coi tiền ảo là tiền và tài sản. Một số nơi chấp nhận là tiền, dù không phải là đồng tiền chính thống.

Đây là đồng tiền trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Tiền ảo cũng được coi là tài sản bởi nó có giá trị quy đổi và có thể mua đi bán lại. Tất nhiên nó là tài sản vô hình.

"Cá nhân tôi cho rằng, phải có quy định chung cho đồng tiền kỹ thuật số cho dù nó là tài sản hay là tiền", ông Cấn Văn Lực kiến nghị.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam