Thúc đẩy bình đẳng giới
Diện tích vùng nguyên liệu hữu cơ của Vinasamex đã tăng từ 1.000ha lên đến 4.000ha trong vòng 2 năm tại ba tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn và Lào Cai. Số lượng hộ dân làm việc cùng công ty cũng vì thế tăng lên từ 1.000 lên 3.000 hộ.
Trong đó, Vinasamex thực hiện hai dự án sâu là dự án chuỗi quế hữu cơ 1.200ha ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) và dự án rộng 1.255ha ở tỉnh Lào Cai. Dự án ở Lào Cai hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra mục tiêu tiếp cận và đào tạo 800 chị em phụ nữ, tạo việc làm tại nhà máy cho 200 chị em ở địa phương.
Đây là những địa phương sống phụ thuộc vào cây quế, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, trình độ thấp, rất nhiều người không biết chữ. Bên cạnh đó, dù phụ nữ là người phải làm việc nhiều hơn nhưng lại chưa có tiếng nói trong gia đình.
Vinasamex tập trung nhiều vào thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là người dân tộc Tày, Dao, Mường… để họ tự tin hơn trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội, nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ trong kinh tế.
Phát triển xanh và bền vững
Song song đó, công ty cũng tiếp tục duy trì và mở rộng chuỗi hữu cơ, thay đổi và nâng cao nhận thức của bà con trong cách trồng, cách canh tác để hướng đến phát triển bền vững.
Không chỉ làm bốn chứng nhận hữu cơ cho những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, Vinasamex còn đạt được gần mười chứng nhận quốc tế, trong đó có chứng nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chứng nhận này thể hiện định hướng của Vinasamex không chỉ kinh doanh tạo lợi nhuận đơn thuần mà còn là kinh doanh hướng đến có trách nhiệm xã hội.
Các yếu tố khác hướng đến phát triển bền vững cũng được đầu tư. Ngoài việc không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học, Vinasamex thực hiện canh tác bền vững như hướng dẫn người dân không đốt rác thải nông nghiệp, phân loại rác ở nhà máy, dùng lá quế đã chưng cất tinh dầu thay cho than đốt lò hơi,...
Hướng đến tôn trọng quyền con người và mang lại lợi ích cho con người
Vinasamex đặc biệt coi trọng sự công bằng với những nhân tố trong chuỗi giá trị bao gồm: người nông dân, nhân viên, công nhân và khách hàng. Họ đều được hưởng lợi từ việc hợp tác với nhau và có quyền lợi bình đẳng.
Công ty đảm bảo người công nhân không làm quá giờ làm thêm được phép, hướng dẫn người nông dân không sử dụng lao động trẻ em khi đi thu hái, tạo việc làm cho người khuyết tật, người yếu thế, người thất nghiệp.
Chẳng hạn, Vinasamex tạo việc làm thời vụ cho nhiều công nhân khi nhà máy của các doanh nghiệp khác phải đóng cửa trong mùa Covid-19.
"Tôi nghĩ việc làm kinh doanh không phải là mục đích cuối cùng, kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội bằng cách giúp cho người dân, công nhân, nhân viên… có việc làm và thu nhập, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Họ thấy vui thì mình vui."
- Chị Nguyễn Thị Huyền - CEO Vinasamex chia sẻ.
Đọc thêm về câu chuyện kinh doanh dược liệu của Vinasamex tại đây.
Tổng hợp