Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo khi nhiều công ty phải cải tổ lại cách thức kinh doanh.
Sáng tạo là phần quan trọng trong nhiệm vụ của các tổ chức giúp họ hoạt động linh hoạt hơn, đối phó được với sự biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ ngày càng gia tăng của thế giới.
Với tầm quan trọng của sự sáng tạo, Dale Carnegie toàn cầu đã thực hiện một cuộc khảo sát vào năm 2021 với hơn 6.500 nhân viên tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cuộc khảo sát nhằm hiểu rõ hơn những gì ảnh hưởng đến sự sáng tạo và các tổ chức đang hoạt động như thế nào trong việc xây dựng một môi trường khuyến khích sự sáng tạo phát triển.
Doanh nghiệp cần đổi mới hay là chết
Trước cuộc đua đổi mới sáng tạo ngày càng gay cấn, doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp chiến lược thúc đẩy động lực sáng tạo cho nhân viên.
Sáng tạo là chìa khóa để sống sót
Với xu hướng hiện nay, khách hàng từ bỏ các dịch vụ phổ biến để có các lựa chọn nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Các công ty chưa bao giờ tự coi mình là một doanh nghiệp đòi hỏi sáng tạo hiện đang gặp mối đe dọa từ đối thủ cạnh tranh có ý tưởng mới sáng tạo thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp.
Với vòng đời tăng tốc của các sản phẩm và dịch vụ, các công ty phải suy nghĩ về các vấn đề kinh doanh theo những cách mới.
Doanh nghiệp phải sáng tạo.
Việc thực hiện tối đa hóa hiệu quả không còn đủ để công ty tiếp tục phát triển.
Sáng tạo là nền tảng cho quá trình đổi mới
Sáng tạo và đổi mới đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau.
Mặc dù chúng có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau:
Sáng tạo là những ý tưởng mới lạ và hữu ích nhờ vào kết nối tri thức theo những cách mới.
Đổi mới là việc hiện thực hóa những ý tưởng đó (như sản phẩm, dịch vụ, giải pháp,...) và thực hiện chúng để tạo ra giá trị.
Định nghĩa này rõ ràng cho thấy sự thật rằng không thể đổi mới nếu không có sự sáng tạo.
May mắn thay, con người vốn có rất nhiều trí thông minh sáng tạo.
Nhưng để biến nó thành sự đổi mới đòi hỏi các tổ chức phải hỗ trợ một môi trường khuyến khích mọi người thể hiện và phát triển nó.
Sau đó, mang sự sáng tạo đó cùng với dữ liệu, chuyên môn, mạng lưới các mối quan hệ và nguồn lực để đánh giá toàn diện tiềm năng của nó, biến nó thành sự đổi mới.
Sáng tạo là kỹ năng mềm tất cả nhà tuyển dụng yêu cầu
Một trong những bằng chứng rõ nét cho thấy sự quan trọng của sáng tạo là xu hướng tăng liên tục trong thời gian dài của các hồ sơ đăng ký bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu trên khắp thế giới.
Điều này thể hiện cuộc đua đổi mới đang quyết liệt hơn bao giờ hết.
Trong nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới này, nhiều nhà tuyển dụng đang tìm cách tăng cường sự sáng tạo của nhân viên.
Từ các công ty công nghệ tài chính khai thác năng khiếu tưởng tượng của những người tự kỷ đến các vũ công và biên đạo múa được thuê để giúp các kỹ sư lập trình nên chuyển động của robot.
Sự sáng tạo hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn trong giới kinh doanh và đầu tư.
Với nỗ lực luôn muốn thúc đẩy sáng tạo và đổi mới này, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng tìm cách tăng cường khả năng sáng tạo của đội ngũ lao động.
Các nhà quản lý, nhà tuyển dụng hiện nay thường yêu cầu các ứng viên chia sẻ các ví dụ/thành tựu về sự sáng tạo trong các cuộc phỏng vấn.
Theo Báo cáo học tập tại nơi làm việc (LinkedIn’s Workplace Learning Reports) của LinkedIn vào năm 2019 và 2020, kỹ năng sáng tạo dẫn đầu trong danh sách các kỹ năng mềm cần được đầu tư đào tạo/học tập.
Sự sáng tạo là một trong các nhóm kỹ năng được nhà tuyển dụng mong muốn nâng tầm quan trọng của nó lên hàng đầu đến năm 2025, theo Điều tra Tương lai Việc làm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Đọc thêm: Khám phá ngay 15 kỹ năng hàng đầu cho năm 2025.
Hành trình từ sáng tạo đến đổi mới - Đoạn đường phức tạp và nhiều thử thách
Hành trình này được các nhà nghiên cứu Perry - Smith và Mannucci mô tả trong bài báo khoa học của họ "Từ sáng tạo đến đổi mới".
Hình sau đây mô tả bốn giai đoạn thực hành sáng tạo gồm:
Ươm mầm ý tưởng, xây dựng ý tưởng, đánh giá ý tưởng và thực thi ý tưởng.
Mỗi giai đoạn có một mục đích và yêu cầu riêng để hoạt động tối ưu.
Giai đoạn đầu tiên ươm mầm ý tưởng.
Mỗi người cần kết hợp kiến thức và kinh nghiệm của họ với hiểu biết thu thập được từ những người khác để đưa ra khái niệm cốt lõi của ý tưởng mới.
Giai đoạn này chủ yếu là một nỗ lực tự thân được điều khiển bởi các yếu tố nội tại.
Trong quá trình xây dựng ý tưởng, cá nhân sẽ chia sẻ ý tưởng với những người khác.
Đồng đội có thể đặt câu hỏi hoặc cung cấp phản hồi để phát triển ý tưởng đó hơn nữa.
Các ý tưởng mới hoặc tốt hơn có thể xuất hiện từ việc tổng hợp các trao đổi này.
Trong giai đoạn này, cần có mức độ tin tưởng và tâm lý an toàn cao trong cuộc thảo luận.
Họ cần cảm thấy an toàn khi chia sẻ ý tưởng mới mà không sợ bị chỉ trích hay từ chối.
Tốt hơn hết, bạn nên chia sẻ ý tưởng với những người có kinh nghiệm và góc nhìn đa dạng.
Họ sẽ giúp sáng tạo ở cấp độ cao hơn và các giải pháp khả thi hơn.
Khi ý tưởng đã sẵn sàng để giới thiệu đến nhiều đối tượng hơn chúng ta bước qua giai đoạn kế tiếp.
Giai đoạn đánh giá ý tưởng, cá nhân cần nhận thức sâu và am hiểu tường tận về ý tưởng của mình cộng với khả năng thuyết phục là rất quan trọng.
Trong giai đoạn này, vốn xã hội bên ngoài và các mối liên hệ sở hữu vị trí chủ chốt, đáng tin cậy có thể giúp ý tưởng sáng tạo dễ dàng giành được sự chấp thuận từ những người ra quyết định.
Giai đoạn cuối cùng thực thi ý tưởng.
Sự hiểu biết và tầm nhìn bao quát rõ ràng là điều cần thiết để biến ý tưởng sáng tạo thành sự đổi mới hữu ích.
Điều này đòi hỏi sự giao tiếp và hợp tác mạnh mẽ giữa các thành viên trong nhóm triển khai.
Đây là một hành trình phức tạp với vô số giờ tắc đường, gờ giảm tốc và đường vòng không thể tránh khỏi trong bất kỳ tổ chức nào.
Đó có thể là những quá trình, tư duy hoặc hành vi khiến cho những ý tưởng sáng tạo khó thành công hơn.
Câu hỏi đặt ra là:
“Các tổ chức coi trọng sáng tạo có thể làm gì để nâng cao nó và tăng cơ hội cho các ý tưởng sáng tạo trở thành sự đổi mới hữu ích?”
Câu trả lời nằm trong việc hỗ trợ sáng tạo ở cấp độ cá nhân, nhóm và tổ chức với nhận thức về nhu cầu khác nhau tại mỗi thời điểm trong việc chuyển đổi ý tưởng sáng tạo thành đổi mới.
Trí thông minh sáng tạo - Một tài nguyên cần được khuyến khích liên tục
Trí thông minh sáng tạo tồn tại trong mỗi chúng ta.
Trí thông minh sáng tạo hay chỉ số sáng tạo – CQ (Creative Quotient) dùng để đánh giá, chỉ khả năng xử lý một vấn đề hay tình huống lạ lẫm bằng giải pháp mới.
Để bắt đầu hành trình đổi mới, nhà lãnh đạo cần tự hỏi:
"Làm thế nào các tổ chức có thể thúc đẩy sự sáng tạo bẩm sinh của mọi người và họ sẵn sàng áp dụng nó để đạt được mục đích của tổ chức tốt hơn, nhanh hơn, hoặc hiệu quả hơn?”
Bước đầu tiên là khuyến khích động lực nội tại của mọi người, giúp họ sẵn sàng tham gia.
Đây là một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo.
Nghiên cứu của Dale Carnegie cho thấy rằng, tập trung vào việc làm cho mọi người cảm thấy có giá trị, tự tin, được trao quyền và được kết nối giúp làm tăng sự tham gia của họ.
Tuy nhiên trong cuộc khảo sát, chỉ có 24% đồng ý mạnh mẽ rằng họ cảm thấy được trao quyền để đưa ra quyết định trong công việc.
Chỉ 38% đồng ý mạnh mẽ rằng họ cảm thấy tự tin vào kỹ năng và khả năng của mình trong công việc.
Chỉ 27% đồng ý mạnh mẽ rằng người quản lý của họ làm cho họ cảm thấy được đánh giá cao và trân trọng.
Để có được những nỗ lực tốt nhất của mọi người, bao gồm cả sự sáng tạo của họ, nhiều nhà lãnh đạo cần cải thiện trong khía cạnh này.
Giúp nhân viên mở rộng chuyên môn, đào sâu kiến thức và học hỏi các kỹ năng mới đã được chứng minh hỗ trợ sự sáng tạo cao hơn.
Chiến lược này giúp cho mọi người cảm thấy có giá trị hơn và tự tin hơn.
Đảm bảo nhân viên cảm thấy được kết nối là một yếu tố quan trọng cho sự sáng tạo.
Khuyến khích họ mở rộng mạng lưới chuyên môn của họ, thúc đẩy các mối quan hệ giúp khơi dậy nó.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng sáng tạo bị hạn chế khi tâm trí của mọi người liên tục bị chiếm giữ bởi các vấn đề cấp bách.
Trong khi việc phân bổ thời gian để theo đuổi các ý tưởng sáng tạo cho nhân viên (như Google) có thể không thực tế trong hầu hết các tổ chức.
Việc giải quyết tình trạng sức khỏe của nhân viên và sự kiệt quệ từ khối lượng công việc mà nhiều nhân viên hiện đang phải chịu đựng là bước tiếp theo thực tế hơn trong việc hướng tới sự sáng tạo.
Tất cả những điều này có ý nghĩa đối với sự sáng tạo ở cấp độ cá nhân, đặc biệt là đối với giai đoạn ươm mầm ý tưởng.
Bên cạnh đó, cần các chiến lược bổ sung để tăng cường phần còn lại của hành trình.
Những chiến lược cân bằng giữa nhu cầu đa dạng so với đồng nhất, hợp tác so với xung đột.
Bài viết trên đây tóm tắt báo cáo “Sáng tạo mang tính xã hội: Động lực đổi mới giữa các cá nhân tại nơi làm việc” được viết bởi Mark Marone - Dale Carnegie.