Trong thế giới kinh doanh, để duy trì sự phát triển và tồn tại lâu dài trước sức ép của cạnh tranh, doanh nghiệp phải đổi mới chiến lược và cũng phải điều chỉnh văn hóa của tổ chức cho phù hợp với chiến lược.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp xác định mục tiêu chiến lược là trở thành công ty đi tiên phong về công nghệ mới thì nhất định phải xây dựng cho được một môi trường văn hóa doanh nghiệp mà ở đó, các nhân viên được kích thích sáng tạo không ngừng.
Chính vì vậy,
Quản trị doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp phải luôn đi song hành cùng nhau, vì đều có mối liên quan mật thiết tới con người và các hoạt động kinh doanh.
Trước khi bàn mô hình quản trị và văn hóa tích hợp chúng ta cần phải làm rõ các khái niệm về quản trị và văn hoá.
Mặc dù các khái niệm này có vẻ như rõ ràng nhưng điểm khác biệt lớn ở đây nằm ở mục tiêu.
Hiểu đơn giản, quản trị sẽ hướng đến nhiều các mục tiêu về kinh doanh hay các giá trị lý tính có thể đo lường được như kết quả, hiệu suất, tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, văn hoá lại là những dấu ấn thương hiệu đậm sắc, là các nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người, là những sự kết nối về mặt cảm xúc.
Vì thế, mô hình quản trị và văn hóa tích hợp phải cùng lúc đạt được hai mục tiêu trên, vừa đảm bảo sự vận hành trơn tru trong quản trị, vừa mang đến sự đồng thuận và gắn kết giữa các cá nhân và tổ chức.
Tất nhiên, điều này không bao giờ là dễ dàng.
Những mô hình quản trị và văn hoá tốt không chỉ giúp gắn kết nhân sự mà còn tối ưu hoạt động, tạo điều kiện để công ty phát triển thuận lợi và đột phá tăng trưởng.
Trong khi một số doanh nghiệp vẫn còn đang loay hoay để xây dựng cả hai mô hình trên thì các doanh nghiệp dẫn đầu nhiều thị trường đã tạo ra những phong cách quản trị tinh gọn và linh hoạt, đồng thời ghi dấu bản sắc văn hoá vượt trội.
Cùng điểm qua một số mô hình quản trị và văn hóa tích hợp đang được nhiều doanh nghiệp vận dụng khá thành công cho tổ chức của mình những năm gần đây:
1. Mô hình quản trị theo quy tắc “Two pizza” do Jeff Bezos khởi xướng
Tại Amazon tồn tại một nguyên tắc được biết đến rộng rãi là nguyên tắc hai bánh pizza (Two pizza rule).
“Two pizza” được đưa ra bởi Jeff Bezos, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Amazon.
Jeff Bezos từng nói: “Không bao giờ có cuộc họp mà hai chiếc pizza không đủ để cả nhóm cùng ăn”.
Trên lý thuyết,
Một chiếc pizza thường được chia ra cho 8 người ăn và không bao giờ đủ cho 10 người.
Nghĩa là mỗi yêu cầu công việc khi đưa ra để thành lập các nhóm hành động (taskforce) thì đều không quá con số này.
Trong trường hợp công ty phát triển thay vì thêm thành viên thì Amazon theo hướng thành lập nhóm thứ hai.
Với mô hình quản trị theo quy tắc này, mỗi nhóm làm việc sẽ có ít người, khiến ai cũng có thể đóng góp ý tưởng, ai cũng có thể biết tường tận công việc của nhau, các phát kiến vì thế sẽ có ảnh hưởng nhanh hơn.
Ngoài ra, việc duy trì số lượng người phù hợp sẽ giúp nhóm tiếp cận gần hơn nhu cầu và hiểu khách hàng tốt hơn, có khả năng ra quyết định độc lập, không phụ thuộc phòng ban nào khác.
Việc duy trì số lượng này vừa giúp nhóm linh hoạt trong trao đổi, ra các quyết định nhanh và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai công việc.
Chẳng hạn nhóm bán sách có chỉ tiêu riêng và có quyền quyết định trong phạm vi của nhóm.
Nhóm bán giày cũng có mục tiêu cụ thể và các nhóm như vậy tự quyết định trong hầu hết mọi việc, hầu như không có lớp quản lý trung gian.
Tại Amazon có 250 dịch vụ khác nhau và mỗi 1 dịch vụ sẽ có 1 đội nhóm mà quy mô chỉ bằng two pizza team để phụ trách.
Hiện tại, mô hình quản trị theo quy tắc two pizza này hiện cũng được một số startup Việt ứng dụng vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.
2. Mô hình quản trị Amoeba - Từng vực dậy một hãng hàng không trên bờ vực phá sản
Cách đây ít năm, giới doanh nhân thế giới phải "ngả mũ" trước mô hình quản trị đến từ Nhật Bản: Amoeba.
Đây là một hệ thống quản lý do doanh nhân huyền thoại Kazuo Inamori – Chủ tịch và là người sáng lập Kyocera, Chủ tịch hãng viễn thông KDDI tạo ra.
Amoeba trong tiếng Nhật là một thực thể sống đơn bào, có đặc trưng hình dáng không tuân theo quy luật nhất định nào và có năng lực tự đổi khác để thích nghi với môi trường tự nhiên sống.
Khái niệm quản trị Amoeba có tên gọi như vậy bởi nó cho phép doanh nghiệp phản ứng nhạy bén trước mọi dịch chuyển của môi trường tự nhiên kinh doanh thương mại nhờ vào năng lực tự đổi khác chính bản thân, từ level thấp nhất là người lao động.
Đặc trưng của mô hình quản trị Amoeba là chia công ty thành các nhóm nhỏ 10-20 người (gọi là amoeba) nhằm tăng tính linh động tối đa, tạo ra cảm nhận về thị trường (market sense) sát đến từng nhân viên.
Mỗi Amoeba tạo ra lợi nhuận bằng cách chủ động tăng doanh thu và cắt giảm chi phí, thương lượng với bên trong hoặc bên ngoài một cách tự chủ và công bằng với thị trường.
Thiết kế cấu trúc tổ chức kiểu này giúp nhân công ở tất cả mọi cấp độ đều có cơ hội áp dụng kỹ năng chuyên môn của mình cho các vấn đề kinh doanh và kỹ thuật chứ không bị "học xong cất tủ".
Năm 2010, Japan Airlines đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ 2.320 tỷ yên, tương đương 21 tỷ USD.
Khi ấy, Kazuo Inamori đã gần 80 tuổi vẫn được giao chiếc ghế Chủ tịch Japan Airlines.
Khi tiếp quản Japan Airlines, ông Kazuo Inamori nhận thấy các báo cáo tài chính thiếu cập nhật, không chính xác.
Và mô hình quản trị Amoeba được thực thi quyết liệt.
Từng bộ phận phải công bố chi tiết doanh thu, lợi nhuận, tăng tính minh bạch, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm cao nhất cho công việc của chính mình.
Nhờ vậy mà rất nhanh sau đó, ngay năm 2011, Japan Airlines đã có lãi 188,4 tỷ yên và đến năm 2012 lên sàn chứng khoán Tokyo, trở lại thời hoàng kim.
Cách chia nhỏ để "quản" và "trị" theo mô hình Amoeba là một bí quyết mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
3. Mô hình Holacracy - Quản trị không cần “sếp"
Chúng ta vẫn thường biết đến các triển khai hệ thống phân cấp – mệnh lệnh theo phương thức truyền thống ở hầu khắp các doanh nghiệp những năm trước đây.
Các quyết định và thông tin được truyền đạt và mang tính bắt buộc được chuyển từ cấp trên đến cấp dưới một cách cứng nhắc, dẫn đến hạn chế sự phát huy sáng tạo của nhân viên.
Quản trị theo mô hình Holacracy lại hoàn toàn ngược lại, sự phân cấp biến mất và thay vào đó tất cả mọi người hoàn toàn tập trung hoàn thành công việc.
Chẳng hạn, các thành viên trong công ty có thể đảm nhận nhiều vị trí chức năng hoặc thành lập ra một nhóm riêng biệt tự quản lý với mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích cho công ty.
Đây chính là mô hình quản trị không phân cấp, được đặc trưng bởi các nhóm tự tổ chức, những người có quyền hạn và tiếng nói ngang nhau.
Hệ thống giao quyền giúp nhân viên đầu tư nhiều hơn vào sự nghiệp của họ thông qua giao tiếp cởi mở và phương thức làm việc linh hoạt.
Điều này củng cố văn hóa công ty và cho phép một doanh nghiệp đạt được mục tiêu của mình.
Cách thức hoạt động của Holacracy sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí.
Thay vì phải thuê một người để hoàn thành vị trí lãnh đạo thì mọi nhân viên trong doanh nghiệp đó sẽ đảm nhận một hoặc hai vai trò và có thể linh hoạt di chuyển giữa các nhóm.
Họ có thể có vai trò khác nhau nếu họ chứng minh được họ có những kiến thức cũng như kỹ năng và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp tại những công việc khác nhau.
Mô hình Holacracy tạo ra một lực lượng lao động có mục đích và hiểu được những gì được mong đợi từ họ.
Tuy nhiên, nó sẽ không phù hợp với các tổ chức lớn với nền văn hóa lâu đời.
Việc tập trung vào làm việc nhóm và các vai trò được xác định lỏng lẻo cũng có thể dẫn đến hiệu suất làm việc của nhân viên không đạt tiêu chuẩn.
4. Mô hình Agile - Thích ứng với nghịch cảnh
Bắt đầu từ giới làm phần mềm, thuật ngữ linh hoạt (Agile) ban đầu đề cập đến cách thức làm ra phần mềm đến tay người dùng nhanh nhất có thể.
Sau đó, khái niệm này được biến chuyển thành một hình thức quản lý dự án, và gần đây trở thành mô hình quản lý tổ chức hữu hiệu trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Mô hình Agile đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đội nhóm, dự án thay đổi liên tục.
Khi áp dụng Agile, khả năng hợp tác trong nhóm, năng lực thích nghi và khả năng “ra sản phẩm cuối cùng” sẽ liên tục được cải thiện.
Thoạt nhìn, cấu trúc theo hướng linh hoạt làm cho người nghe thấy thích thú, nhưng kèm với sự thích thú này là một nỗi lo sợ về khả năng kiểm soát.
Tính linh hoạt – bao gồm cả tính linh động về cách thức quản lý chủ yếu được tạo ra từ văn hóa, cấu trúc doanh nghiệp.
Đó còn là kế hoạch phân bổ nguồn lực lẫn tính ổn định dựa trên nền tảng hệ thống, quy trình và các bài học được tích lũy qua năm tháng.
Ngoài ra tổ chức linh hoạt theo mô hình Agile còn tận dụng được sức mạnh công nghệ và có một văn hóa mạnh về khả năng đồng tạo giá trị và hướng đến khách hàng cuối cùng.
Cách thức tổ chức hoạt động này làm cho doanh nghiệp có khả năng thay đổi chiến lược linh hoạt theo thị trường, tối ưu hóa nguồn lực, vừa đảm bảo được tốc độ vừa có cả sự ổn định.
Do đó, nó có thể được xem là một lợi thế cạnh tranh mới ngay từ bên trong.
Google là một trong những doanh nghiệp áp dụng mô hình Agile với tinh thần sáng tạo, linh hoạt, văn hoá chia sẻ, kết nối các bộ phận và hoạt động theo dự án chia giai đoạn.
Mô hình này đã giúp cho Google kiểm soát tốt các chi phí, quản trị rủi ro hiệu quả.
Mô hình Agile hướng tới việc đào tạo, thay đổi tư duy của đội ngũ nhân sự để từ đó tạo ra nhiều giá trị lớn mạnh, bền vững cho doanh nghiệp.
Tổ chức doanh nghiệp theo tinh thần Agile giúp cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường.
Và tại Việt Nam nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã ứng dụng mô hình Agile như FPT, Viettel, VNG hay những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như NAL Việt Nam, Deha Software…
Điều đó cho thấy rằng mô hình Agile có tính ứng dụng cao trong doanh nghiệp, được xem là bước quan trọng hàng đầu tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi số thành công.
Những ví dụ và phân tích ở trên thoạt đầu không cho chúng ta nhìn thấy những “sắc màu văn hoá".
Nhưng nếu so sánh các mô hình quản trị khác đặc biệt là các mô hình mang tính “quyền lực" ở Việt Nam thì các hình thức này đã tạo nên các phong cách đặc sắc về văn hoá.
Đơn cử như thương hiệu nhà hàng Nhật Morico, khi áp dụng mô hình quản trị Amoeba, doanh nghiệp này đã tạo ra sức mạnh của sự tin tưởng lẫn nhau và tinh thần đoàn kết nội bộ.
Nhờ đó, tỉ lệ trung thành của nhân viên rất cao, nhiều người đã gắn bó từ khi thành lập cho tới này, điều hiếm xảy ra trong ngành F&B.
Hay như FPT, một hình mẫu tiêu biểu về văn hoá doanh nghiệp nổi trội thì mô hình Agile cũng rất “fit” với văn hoá tôn trọng tính sáng tạo và tự do của mỗi cá nhân.
FPT cũng nổi tiếng với “đặc sản" văn hóa STCo (tự do sáng tác nhạc chế) cũng chính là nhờ văn hoá và mô hình quản trị trên.
Kết
Có thể nói, các mô hình quản trị văn hóa tích hợp ra đời đã giải quyết khá nhiều vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp.
Nếu như trước đây doanh nghiệp càng lớn thì thường càng kém năng động khi cõng trên lưng nhiều hệ thống quan liêu, quản lý các cấp xa rời thị trường, nhân viên chẳng có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận, người tài ra đi vì tương lai thăng tiến mịt mờ… thì giờ đây những việc đó đã có thể dễ dàng giải quyết.
Được tạo ra nhằm mục đích tối ưu các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên mô hình nào cũng sẽ có những ưu khuyết khác nhau.
Việc quan trọng của các nhà lãnh đạo là phải thấu hiểu được tổ chức, từ đó tạo ra văn hóa phù hợp nhất với lý tưởng của mình, của đội nhóm và lựa chọn mô hình quản trị phù hợp với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.