Một bữa tiệc ngon không thể thiếu những món tráng miệng hoàn hảo.

Một món tráng miệng ngon, độc đáo là một dấu kết hoàn hảo cho một bữa ăn ngon miệng.

Những món tráng miệng độc đáo về cả bề ngoài và nội dung bên trong luôn được đánh giá cao.

Tất cả đều góp một phần không nhỏ tạo nên một bức tranh ẩm thực màu sắc và những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

1. Crème brûlée (Pháp) - món tráng miệng kết hợp nhiều giác quan

Crème brûlée (còn được gọi với tên crema catalana hay kem trinity) là món tráng miệng được yêu thích tại nước Pháp nhờ sự độc đáo từ lớp đường cháy trên bề mặt.

Đây là món tráng miệng nổi tiếng của Pháp, được làm với lớp caramel mỏng, giòn rụm phủ bên ngoài và trong là kem trứng sữa lạnh hòa với vani.

Hương thơm caramel ngọt ngào và lớp kem sữa trứng mềm mịn khiến bạn sẽ mỉm cười khi nếm thử.

null
Bánh tráng miệng Creme brulee từ Pháp.

Ngày nay, nhân bánh là lớp kem sữa, không chỉ được trộn với vani mà còn được trộn với nhiều hương vị khác nhau.

Khi ăn, bạn phải gõ vỡ lớp caramen cứng để nếm được lớp đế custard béo ngậy phía dưới.

Tiếng đường vỡ lách cách vui tai cũng giúp quá trình thưởng thức thú vị hơn.

Crème brûlée thực sự được xem là đặc sản của một nước Pháp thơ mộng.

2. Om’ali - bánh pudding phiên bản Ai Cập

Om’ali là món tráng miệng nổi tiếng của Ai Cập, vẻ ngoài khá giống pudding.

Bánh được làm từ bánh mì nghiền nhỏ, trộn cùng hạt dẻ, dừa sợi, nho khô, đường.

Bên trên phủ một lớp sữa hoặc kem tươi, sau đó thêm ít bột quế.

Hỗn hợp nướng trong lò đến khi bề mặt chuyển sang màu vàng nâu, ăn nóng hay lạnh đều có vị ngon rất riêng.

null
Om’ali được gọi là pudding bánh mì phiên bản Ai Cập.

Ngày nay, người Ai Cập thay hạt dẻ bằng nhiều loại hạt khác nhau, khiến bánh om’ali trở nên đa dạng hơn về hương vị, màu sắc hấp dẫn.

Tuy chế biến tương tự các loại bánh ngọt khác, om’ali của xứ kim tự tháp được tiết chế và gia giảm nguyên liệu nên bánh không quá ngọt, giảm cảm giác ngán.

3. Kẹo râu rồng - món tráng miệng độc lạ từ cái tên đến câu chuyện (Trung Quốc)

Cái tên râu rồng xuất phát từ giai thoại xưa, khi kẹo chỉ là món tráng miệng đặc biệt được nhà vua yêu thích.

Sau mỗi lần ăn, tơ chỉ của kẹo dính quanh miệng vua nên được ví von là râu rồng (với người Trung Quốc, rồng là biểu tượng của vua).

Theo nhiều trích dẫn, món ăn này trước đây chỉ lưu hành trong cung cấm, đến năm 1911 mới lan truyền, phổ biến cho tầng lớp bình dân.
null
Kẹo râu rồng Trung Quốc - Bánh tráng miệng ngon hấp dẫn.

Từ nguyên liệu đơn giản, bao gồm đường, bột, lạc rang... người đầu bếp dùng cách chế biến công phu và đôi tay lành nghề chinh phục thực khách.

Đầu tiên, đường được thắng lại thành dạng keo, nặn thành khoanh tròn rồi kéo sợi.

Tương tự như khi làm mì, khoanh đường được liên tục gấp đôi, nhúng vào bột rồi kéo.

Quá trình này lặp lại với tần suất tùy định, có lúc nghệ nhân phải thực hiện đến hàng nghìn lần gấp - kéo.

Đến khi các khoanh đường tơi mảnh tương đương sợi chỉ, người bán sẽ cắt ra những đoạn vừa phải, cho hỗn hợp đường, lạc rang làm nhân rồi cuộn thành viên.

4. Món tráng miệng “sushi” thanh mát, khác biệt

Sushi vốn là món ăn truyền thống của Nhật Bản đã không còn xa lạ với nhiều nước châu Á.

Tuy nhiên, do sushi được làm từ cơm cuộn cùng các nguyên liệu khác (chủ yếu là cá sống) nên nhiều người không hợp khẩu vị.

Do đó, một loại sushi thơm ngon, mát lành hơn là sushi trái cây đã được tạo ra.

Hình thức bên ngoài của món tráng miệng này cũng giống như cách làm món sushi hải sản.

null
Kiểu sushi ngọt này có cách làm khá nhanh, hợp cho những buổi dã ngoại ăn nhẹ hoặc tiệc nhỏ đãi bạn bè.

Điều khác biệt là nguyên liệu được làm từ trái cây tươi nhiều màu sắc, kem tươi, bánh oreo nên có hương vị ngọt thơm.

Đây lại còn là món ăn đơn giản mà ai cũng có thể tự chế biến cho mình và lại rất thích hợp cho những ai muốn ăn chay.

Món sushi trái cây này chắc chắn sẽ đem đến một hương vị mới, thanh mát hơn so với sushi truyền thống của Nhật Bản.

5. Bánh trôi mạt chược - món tráng miệng tưởng lạ mà quen (Trung Quốc)

Cũng giống như món bánh trôi nước thông thường, nguyên liệu chính để làm bánh trôi mạt chược gồm bột nếp và các loại nhân khác nhau, thường là đậu xanh và vừng đen.

Điểm khác biệt ở đây là thay vì vê tròn, mỗi viên bánh trôi lại được nặn thành hình quân bài mạt chược rồi dùng màu thực phẩm vẽ lên trên những con "nhất sách", "lục vạn" hay "tam văn"...

Nếu như thông thường, bánh trôi chỉ có một màu trắng đơn điệu thì bát bánh trôi mạt chược được bày ra trông bắt mắt với đủ màu sắc xanh đỏ cùng phần nước bột quấy trong vắt, điểm thêm một chút mè rang.

null
Giống với bánh trôi thông thường, nhân bánh trôi mạt chược thường là đậu xanh hoặc vừng đen với màu sắc rất hấp dẫn.

Khi cắn một miếng bánh, ngay lập tức thực khách có thể cảm nhận được lớp vỏ mịn và thơm dẻo.

Cắn sâu thêm chút nữa, vị bùi bùi ngậy ngậy của lớp nhân quyện trong vị ngọt thanh mát của phần bột quấy như tan ra, đọng lại nơi đầu lưỡi.

Hương vị đó có thể chinh phục ngay cả những thực khách khó tính nhất và khiến cho bất kỳ ai từng thưởng thức một lần đều nhớ mãi.

Ăn bánh trôi là một việc làm không thể thiếu của người dân Thành Đô vào mỗi dịp lễ hội đèn lồng.

Lễ hội này rơi vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm.

Nếu có dịp đến thăm thành phố vào đúng dịp đặc biệt này, hãy thử thưởng thức món bánh trôi mạt chược đã trở thành đặc sản của nền ẩm thực phong phú, đa dạng nơi đây.

Lời kết

Một bữa ăn chỉ kết thúc thành công khi món tráng miệng thu hút được thực khách ngồi tới phút cuối cùng.

Do đó, món tráng miệng được xem là một trong những thử thách đối với các đầu bếp trên thế giới.

Những món ăn độc đáo và khác lạ được tạo nên từ những nguyên liệu ít được sử dụng khi chế biến món tráng miệng lại mang một nét riêng đặc biệt.