Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không tìm được ý nghĩa trong công việc đã khiến cho trào lưu “quiet quitting” trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Thế nào là “quiet quitting” (âm thầm nghỉ việc)?

“ Âm thầm nghỉ việc” không phải là rời khỏi công ty mà được thể hiện thông qua thái độ của nhân viên trong công việc.

Những biểu hiện đó có thể là làm việc kém năng suất, chỉ làm trong phạm vi công việc của mình, không sẵn lòng làm thêm giờ, từ chối trả lời tin nhắn sau giờ làm, không tham gia các hoạt động chung của công ty.

Nói tóm lại, nhân viên “nghỉ việc trong âm thầm” là làm đúng trách nhiệm của mình trong phạm vi nhiệm công việc được giao, trong mức lương được trả và trong thời gian làm việc hành chính.

null
“Quiet quitting” không phải từ bỏ hoàn toàn công việc mà chỉ đang bỏ đi ý nghĩ cố gắng phấn đấu.

Trào lưu “quiet quitting” đang ngày càng được nhiều người đón nhận và hầu hết ở những bạn trẻ.

Tờ The Guardian (Anh) đưa tin, cuộc khảo sát nhân viên Dịch vụ Y tế quốc gia Anh vào năm 2021 cho thấy:

Chỉ số tinh thần của nhân viên đã giảm 6,1/10 xuống 5,8/10, mức độ gắn bó giảm từ 7 xuống 6,8.

Mức độ tương tác thấp của nhân viên đối với công việc đã gián tiếp gây thiệt hại 7,8 nghìn tỉ USD cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Điều gì dẫn đến “âm thầm nghỉ việc” trở thành trào lưu nơi công sở?

    1. Văn hóa hối hả nơi công sở

Khối lượng công việc khổng lồ, thời gian hoàn thành khá hạn hẹp và đòi hỏi luôn đổi mới, luôn sáng tạo trong công việc dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Điển hình như trong các ngành nghề về truyền thông, tài chính, kỹ sư xây dựng, công nghệ thông tin,... luôn phải làm việc liên tục kể cả ngày cuối tuần.

Với người lao động, âm thầm giảm việc là cách để cân bằng cuộc sống và không có gì sai khi họ đã hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ ở chỗ làm.

null
Khối lượng công việc ngày càng nhiều khiến nhân viên bị kiệt sức trong công việc.

Chiến lược gia Stacie Haller cho biết:

"Một số nhân viên không còn cảm thấy kết nối với công việc hoặc nơi làm việc và có mong muốn tập trung nhiều hơn vào gia đình và cuộc sống cá nhân của họ. Với sự thay đổi ưu tiên này, nhân viên thấy ít sẵn sàng tham gia vào nền văn hóa hối hả".

    2. Công việc không rõ ràng

Trách nhiệm của người cấp trên là hướng dẫn và chỉ ra cụ thể công việc của nhân viên cần làm tại vị trí của mình là gì, để từ đó người nhân viên có thể phát triển thêm các nhiệm vụ khác.

Nếu công việc được giao không rõ ràng, quy trình làm việc thiếu sự liên kết, nhân viên sẽ bị lúng túng trước nhiệm vụ của mình và có thể phát sinh nhiều vấn đề khác.

Ngoài ra, người lao động có thể được yêu cầu làm những việc không tên khác ngoài phạm vi công việc của mình nhưng lại không được trả lương xứng đáng khiến người lao động lựa chọn hưởng ứng xu hướng “âm thầm giảm việc”.

Theo Maria Kordowicz - phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham (Anh), sự gia tăng số lượng nhân viên lặng lẽ giảm việc liên quan đến sự sụt giảm mức độ hài lòng công việc.

null
Cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng để nhân viên có thể làm công việc tốt nhất.

    3. Hay đơn giản hơn là muốn được nghỉ ngơi

Giới trẻ hiện nay thuộc kiểu người năng động, thích tự do, mong muốn dành thời gian cho những ưu tiên khác bởi người trẻ không theo chủ nghĩa “công việc là cuộc sống”

“Nghỉ việc trong âm thầm” là cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần, tâm trí và thể chất của người lao động.

Điều này không hẳn là sai vì người người lao động đã làm tròn trách nhiệm của mình tại công ty và trong khung thời gian làm việc như thỏa thuận.

Họ chỉ mong muốn được tận hưởng trọn vẹn khung thời gian cá nhân, không làm bất kỳ nhiệm vụ nào liên quan đến công việc như cách để nạp năng lượng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu (2021) chỉ ra chỉ số "vỡ mộng ở giới trẻ" là 8 trong số 10 rủi ro, bao gồm sức khỏe tinh thần giảm sút kể từ đại dịch COVID-19, khiến 80% thanh niên trên toàn thế giới dễ bị trầm cảm, lo lắng và thất vọng.

“Quiet quitting” có phải là cái cớ cho sự lười biếng?

Lan rộng hơn nhờ TikTok, nhiều ý kiến cho rằng "lặng lẽ giảm việc" thể hiện sự thiếu trách nhiệm với việc mình làm.

Theo Brad Polumbo, nhân viên chính sách tại Quỹ Giáo dục Kinh tế, âm thầm nghỉ việc là suy nghĩ xấu xa và nó chỉ khiến cho người trẻ ngày càng kém đi.

“Trào lưu âm thầm nghỉ việc là hoàn toàn nhảm nhí. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nhiều người trẻ lại tán thành với hệ tư tưởng độc hại này. Nó chỉ khiến họ tự chuốc lấy thất bại và khó khăn”, ông kết luận.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “ âm thầm giảm việc” là điều cần thiết.

Nhà tâm lý học Tổ chức Ben Granger cho rằng “quiet quitting” có thể là cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất trong môi trường làm việc độc hại.

Trong khi đó, Zaid Khan, TikToker 24 tuổi lại cho biết:

“Trong vài năm qua, sức khỏe tinh thần và thể chất thực sự đóng vai trò quan trọng đối với năng suất làm việc, tại hầu hết tất cả các lĩnh vực ngành nghề”.

“Quiet firing” (âm thầm sa thải) - khi người lãnh đạo hành động

“Quiet firing” - sa thải trong im lặng được cho là hành động đáp trả của các người lãnh đạo đối với xu hướng “nghỉ việc trong im lặng” của nhân viên.

Theo đó, lãnh đạo hoặc người quản lý sẽ hạn chế trong các quyền lợi, tạo ra rào cản trong công việc để người lao động tự rút lui khỏi công ty.

Hoặc cùng một vị trí công việc nhưng lại giao cho một người công việc vô cùng khó khăn để thực và người còn lại nhiệm vụ đơn giản hơn.

null
Với “sa thải thầm lặng”, nhân viên sẽ mang cảm giác bị cô lập, bị phớt lờ ý kiến của mình.

Giống như “nghỉ việc trong im lặng”, “sa thải im lặng” không liên quan nhiều đến từ chức cá nhân nào theo đúng nghĩa đen mà nghiêng về các hành động.

Một tweet hồi tháng 8 thu hút 18.000 lượt thích và nhiều phản hồi đồng tình từ người theo dõi:

"Rất nhiều người nói về nghỉ việc trong im lặng nhưng lại rất ít nói về sa thải trong im lặng - đó là khi một người không được tăng lương trong 5 năm mặc dù vẫn tiếp tục làm mọi điều được yêu cầu".

Những lý do dẫn đến việc “sa thải âm thầm”

    1.Vấn đề hợp đồng

Khi người lao động vi phạm nhưng người quản lý không có chứng cứ cụ thể để yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Để không phải đền bù khoản tiền chấm dứt hợp đồng, công ty sẽ hạn chế các hoạt động trong công việc, kéo dài thời gian trống giữa các dự án,...

Họ đã bị bỏ lại phía sau so với đồng nghiệp của mình và sẽ quyết định rời đi.

    2. Nhân sự “con ông cháu cha"

Nhân viên được gửi gắm từ một người quen có mối quan hệ vô cùng thân thiết nhưng người nhân viên lại không phù hợp với sự phát triển của công ty.

Tránh làm phiền lòng người quen hoặc đối tác, người chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách khiến nhân viên này mất đi sự yêu thích trong công việc, không thể tìm thấy mục tiêu dài hạn khi tiếp tục gắn bó với công ty.

Giải pháp cho trào lưu âm thầm tại môi trường làm việc

    1. Trao đổi trực tiếp với cấp trên

Nhiều nhà cố vấn nghề nghiệp cho rằng cách tốt nhất để giải quyết sự mơ hồ trong công việc này là cần nói chuyện minh bạch với cấp trên.

Dẫn chứng những thành tích mình đã đóng góp cho công ty, công sức đã bỏ ra và quyền lợi xứng đáng với nỗ lực đã bỏ ra từ công ty.

    2. Nếu không thể thay đổi được gì, hãy cân nhắc thôi việc

Cara de Lange, một cố vấn về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, cho rằng nếu cuộc thảo luận của bạn với cấp trên rơi vào bế tắc, có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc rời đi.

Bởi lẽ nếu một nhân viên không không đáp ứng được những kỳ vọng trong công việc, họ nên được tổ chức của mình cung cấp những phản hồi và sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để có thể phát huy năng lực làm việc.

Tuy nhiên, nghỉ việc là phương án cuối cùng, đặc biệt trong tình trạng suy thoái kinh tế và nhiều công ty cắt giảm nhân sự hiện nay.

    3. Tìm hiểu lý do khiến nhân sự chán nản

Khi nhận thấy rằng nhân sự đang trong trạng thái “nghỉ việc âm thầm”, người đứng đầu nên tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này.

Công việc có đang bị quá tải?

Lần cuối những hoạt động vui chơi được tổ chức là khi nào? Vấn đề nằm ở cấp dưới hay ở bản thân người lãnh đạo?

Điều chỉnh những lý do vì sao nhân sự không sẵn lòng cống hiến cho công ty là cách để giảm thiểu tình trạng ngày càng lan rộng trào lưu âm thầm giảm việc trong nội bộ.

    4. Lời động viên

Người lãnh đạo giống như người truyền cảm hứng đến nhân viên của mình, cần thường xuyên có những buổi đào tạo, những buổi truyền cảm hứng hoặc đơn giản chỉ là buổi trò chuyện.

Thông qua những buổi chia sẻ này, người lãnh đạo sẽ biết được những áp lực, những vấn đề mà nhân viên mình gặp phải và giúp họ tìm ra hướng đi mới cho bản thân.

null
Các buổi chia sẻ được diễn ra thường xuyên sẽ giúp kết nối lãnh đạo với nhân viên.

Kết luận

Cả hai xu hướng trên là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu kết nối, thiếu minh bạch hơn giữa người sử dụng lao động và người lao động, đây là vấn đề cần được giải quyết, không phải trào lưu để mọi người làm theo.